Bàn giải pháp tháo gỡ cho nông sản Việt

(Cổng ĐT HND)- Vừa qua, tại Hà Nội, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng tổ chức Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2018 (ViEF 2018) chuyên đề nông nghiệp, là sự kiện mở màn chuỗi sáu diễn đàn chuyên đề trong khuôn khổ ViEF 2018.
Vải thiều Thanh Hà đang tìm thị trường tiêu thụ

Theo chuyên gia nông nghiệp Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT), thị trường Trung Quốc ngay sát Việt Nam vừa là thách thức vừa là cơ hội, ít nơi có thị trường liền kề và ngày càng mở rộng như Trung Quốc. Xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm hàng đầu trong xuất khẩu đi khắp nơi trên thế giới.

Đứng từ góc độ doanh nghiệp, ông Trần Thanh Hải, Phó chủ tịch điều hành Central Group (Thái Lan) cho hay, nông sản Việt cần được quản lý chất lượng và thương hiệu nghiêm ngặt, đồng thời cần nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Việt Nam là một trong 5 nước xuất khẩu chè lớn nhất thế giới và được khách hàng đánh giá cao về khả năng cung ứng hàng số lượng lớn, giá rẻ… song chè Việt chủ yếu xuất thô, không có thương hiệu nên lợi nhuận thấp.

Là người điều phối phiên thảo luận, ông Trương Gia Bình đặt câu hỏi với 7 vị diễn giả cùng có mặt tại Diễn đàn về việc đi tìm át chủ bài cho nông nghiệp Việt Nam.

Thứ nhất, Nông sản Việt Nam đã xuất khẩu đến 180 nước trên thế giới. Giá trị xuất khẩu nông sản đã tăng từ 105 triệu USD lên 2,05 tỷ USD vào năm 2016. Thứ hai, chúng ta có một tầng lớp trung lưu đang phát triển. Tỷ lệ ăn gạo có xu hướng giảm, người ta quan tâm hơn đến thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Thứ ba, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhu cầu về chế chế biến thực phẩm sạch tăng. Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Quốc Toản, Quyền Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn) cho rằng Việt Nam đã hội tụ đủ tiềm năng để phát triển nông nghiệp.

Trong bức tranh xuất khẩu, thành phần kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng nhưng tỷ trọng vẫn còn thấp, mới chỉ chiếm 1%. “Như vậy nông nghiệp Việt Nam tiềm năng rất lớn nhưng chúng ta còn rất nhiều việc phải làm, nhất là các doanh nghiệp chuyên về nông nghiệp”, ông nói.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho rằng, dưới góc độ cơ quan quản lý, át chủ bài của nền nông nghiệp vẫn là cơ chế chính sách ngoài dòng vốn.

Ông Vũ Trường Ca, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Lina Network cho rằng nông nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Theo ông, vì vậy, cần phải tìm hiểu xem thị trường cần gì. Thị trường cần phải có sản phẩm minh bạch, bất biến, an toàn, chuẩn hoá, truy xuất mọi lúc mọi nơi.

“Công nghệ Blockchain hiện nay trên thế giới rất mạnh, có thể thay thế, tác động mạnh tới hoạt động của xã hội trong tương lai. Đối với Blockchain, hiện nay quy mô phát triển thế giới còn rất sơ khai, Việt Nam hoàn toàn có đủ điều kiện để ứng dụng công nghệ này”, ông nói.

Ông Nguyễn Quốc Toản – Quyền Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản đưa ra hai giải pháp về chế biến và thị trường.

Thứ nhất, về chế biến, theo ông Toản, nếu cứ xuất thô với tỉ lệ gần 90% như hiện nay, rõ ràng, giá trị gia tăng hàng nông sản của Việt Nam sẽ tiếp tục thấp.

Theo đó, ông Toản đưa ra đề xuất về việc tổ chức diễn đàn quốc tế về chế biến, nhằm thu hút sự tham gia sâu rộng của các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp, hiệp hội, đặc biệt là cộng đồng quốc tế tham gia vào chuỗi chế biến.
Ông Trần Thanh Hải, đại diện Central Group thì kiến nghị về khâu sau thu hoạch.
Theo ông, Việt Nam chưa cải tiến được khâu sau thu hoạch nên giá bán vẫn khá cao. Ngoài ra, cần chú trọng quy trình quản lý chất lượng ở người nông dân, tác động tới nhận thức để họ thay đổi phương thức sản xuất. “Chúng tôi đang phối hợp với nông dân để hỗ trợ họ mở rộng quy mô sản xuất”, ông cho hay.

Giải quyết vấn đề về vốn cho xuất khẩu cũng là kiến nghị được ông đưa ra trong phiên thảo luận. Theo ông, Chính phủ cần làm việc chặt chẽ với các ngân hàng, để người nông dân có cơ hội được cấp vốn.

Hoàn thiện cơ chế, hành lang pháp lý có tính ổn định là kiến nghị được ông Đàm Quang Thắng, Tổng Giám đốc công ty TNHH Agricare Việt Nam đưa ra, nhận được sự đồng tình của các đại biểu tại phiên thảo luận. ”Cần thu hút không chỉ doanh nghiệp lớn mà còn là cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào đầu tư nông nghiệp”, ông cho biết thêm.
Diễn đàn chuyên đề Nông nghiệp – Giải pháp phát triển thương mại cho nông sản Việt là sự kiện mở màn chuỗi chuyên đề trải dài từ tháng 5 và kết thúc vào tháng 12, nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (Vietnam Economic Forum – ViEF).

ViEF 2018 chia thành 6 diễn đàn chuyên ngành. Khởi đầu bằng Nông nghiệp vào 5/6. Tiếp đến là diễn đàn về vốn và tài chính; du lịch; kinh tế số; logistic và nguồn nhân lực. Phiên toàn thể diễn ra vào tháng 12.

Thanh Tâm
You might also like

Chào mừng anh chị đến với TTNSV

X