Tầm nhìn bền vững từ trang trại 3000 tỷ đồng của Vinamilk

VnExpress. Tổ hợp trang trại bò sữa công nghệ cao Vinamilk Thanh Hóa sẽ góp phần hiện thực hóa ước mơ “vươn cao Việt Nam” trong tương lai.

Với vóc dáng cao lớn, nhanh nhẹn ít có ở một người độ tuổi 60, ông Nguyễn Văn Cư mặc bộ comple đen, cà vạt đỏ với vẻ trịnh trọng hơn ngày thường. Sáng 28/3, ông đại diện nông trường Thống Nhất lên nhận bó hoa nhân dịp lễ khánh thành trang trại bò sữa công nghệ cao trong vai trò Giám đốc.

Sinh ra và lớn lên tại miền quê khác, nhưng ông quyết định chọn nơi đây để xây dựng cuộc sống và dành toàn bộ sự nghiệp từ năm 1985. Đó là một nông trường rộng lớn, nằm tại huyện Yên Định, cách thành phố Thanh Hóa 40 km về phía Tây. Khoảng cách không xa nhưng đi xe một tiếng rưỡi mới đến vì trải qua nhiều đoạn đường quanh co, lắt léo.

Thời đó, ông bắt đầu công tác với vai trò một cán bộ kỹ thuật, sau đó là quản lý đội sản xuất và quản lý cơ sở. Hôm nay, trên cương vị Giám đốc, ông cùng nông trường Thống Nhất bước sang một trang mới khi Vinamilk đầu tư 3.000 tỷ đồng để chuyển đổi và xây dựng tổ hợp trang trại bò sữa công nghệ cao tại đây, trong đó, vốn đầu tư ban đầu là 700 tỷ đồng.

“Hôm nay, tôi thấy con người mình như được lột xác”, ông tâm sự khi cầm bó hoa ngồi xuống dưới sân khấu, ngắm nhìn quang cảnh nông trường xung quanh. Vẫn nông trường này, cũng những người lao động đó mà ông đã gắn bó hàng chục năm qua, nhưng từ mai mọi thứ sẽ khác.

Theo ông Cư, những đôi bàn tay của người nông dân nông trường Thống Nhất nay sẽ bớt vất vả hơn bởi quy trình chăm sóc bò sữa được đầu tư các công nghệ hiện đại bậc nhất của thế giới.

Ông Ricky Ray Mayo – Giám đốc cấp cao của tập đoàn GEA (Mỹ), đơn vị tư vấn xây dựng nhận định: “Nông trại của Vinamilk đã đáp ứng thành công 4 triết lý trong ngành công nghiệp nuôi bò sữa: đầu tiên bò phải ăn ngon ngủ tốt và sản xuất nhiều sữa, thứ hai nó cho nhiều chu kỳ sữa hay nói cách khác sản xuất nhiều lứa kế tiếp, thứ ba là bảo vệ môi trường, và thứ tư là phát triến cộng đồng xung quanh trang trại”.

Nếu như trước đây, những người lao động tại nông trường chăm sóc và theo dõi bò chủ yếu dựa trên kinh nghiệm, thì nay đã có một hệ thống làm việc đó thay họ. Đầu tiên phải kể đến hệ thống CowScout, mỗi chú bò sẽ được đeo một chiếc vòng theo dõi có mã số riêng. Sau đó, hệ thống sẽ thu thập thời gian ăn uống, các chỉ số hoạt động của bò, so sánh các thông số trong vòng 10 ngày để đánh giá tình hình sức khỏe, phát hiện điểm bất thường hoặc dấu hiệu bệnh sớm ở mỗi cá thể. Đồng thời thiết bị cũng sẽ tính toán tỷ lệ dinh dưỡng tối ưu.

Bê con được nuôi dưỡng với hệ thống cho bê uống sữa tự động DairyFeed hiện đại, liên tục giám sát tình trang sức khoẻ và tình hình sinh trưởng của chúng. Mỗi con được gắn một chiếc thẻ hoặc vòng cổ có mã ID, sau đó thiết bị theo dõi sẽ phân tích dữ liệu thông qua hệ thống ăng-ten, ghi chép thói quen ăn uống, lưu trữ dữ liệu và ngay lập tức báo cáo nếu có điều bất thường hay thay đổi trong thói quen ăn uống. Các số liệu này thường sẽ phản ánh chính xác tình hình sức khỏe của mỗi con bê.

Việc cho bò ăn lâu nay nhờ vào bàn tay người công nhân chuồng trại, thì nay lần đầu tiên ở Việt Nam có một hệ thống robot vun, đẩy thức ăn tự động được sản xuất từ Hà Lan với tên gọi Lely Juno. Với sự có mặt của các robot Lely Juno, đàn bò luôn được bảo đảm có ăn thức ăn tươi, mới, đầy đủ dinh dưỡng bất cứ thời điểm nào trong ngày. Robot còn có khả năng tự sạc năng lượng để vận hành và tự di chuyển qua lại giữa các khu chuồng trại để “chăm lo” nguồn thức ăn cho đàn bò ngay cả trong thời tiết mưa gió.

Công việc vắt sữa tại trang trại được thực hiện trên hệ thống vắt sữa tự động hoàn toàn khép kín, sữa tươi được chọn lọc và vận chuyển trên đường ống chuyên dụng với nhiệt độ được làm lạnh đến 2 – 4 độ C. Trong suốt quá trình bảo quản và vận chuyển bằng xe bồn lạnh chuyên dụng đến nhà máy cách đó 50km, tổng thời gian từ khi vắt sữa, bảo quản về đến nhà máy chế biến sản xuất đều không quá 24h, đảm bảo chất lượng thơm ngon cho nguồn sữa tươi nguyên liệu, không chất bảo quản.

Bên cạnh việc chăn nuôi và sản xuất sữa hiện đại, Vinamilk cũng rất chú trọng đến công tác an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường. Nông trại áp dụng công nghệ thu gom chất thải tự động, khép kín theo công nghệ hiện đại của tập đoàn GEA- Hoa Kỳ. Toàn bộ chất thải được thu gom, xử lý qua nhiều công đoạn, vận chuyển đến các khu vực an toàn và không ảnh hưởng đến môi trường. Phần lớn chất thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn được tái sử dụng cho các hoạt động của trang trại, giảm tiêu thụ năng lượng, nước và các nguồn tài nguyên khác.

Ông Ricky Mayo nhấn mạnh: “Thiết bị được lắp và vận hành thành công tại trang trại Vinamilk là một thành công của GEA bởi đây là trang trại bò sữa đầu tiên tại châu Á đạt được hoặc vượt các tiêu chuẩn 3A và FDA”.

Trang trại bò sữa số 1 trong tổ hợp trang trại bò sữa công nghệ vừa được khánh thành có quy mô 4.000 con, diện tích xây dựng 40 hecta với vốn đầu tư 700 tỷ đồng là trang trại đầu tiên được chính thức đi vào hoạt động trong tổ hợp 5 trang trại bò sữa công nghệ cao Vinamilk Thanh Hóa.

Tổng diện tích canh tác cả tổ hợp là 2.500 hecta, trong đó diện tích xây dựng trung tâm các trang trại chăn nuôi bò sữa là hơn 200 hecta với tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng.

Từ nay đến năm 2020, lần lượt 4 trang trại khác trong tổ hợp sẽ được hoàn thành theo đúng kế hoạch, trong đó có một trang trại bò sữa organic, đưa quy mô của Tổ hợp trang trại bò sữa công nghệ cao Vinamilk Thanh Hóa lên 20.000 con, cung cấp sản lượng ước tính 110 triệu lít sữa/năm.

Vinamilk hiện có hệ thống 10 trang trại trải dài khắp Việt Nam đạt tiêu chuẩn Global GAP với toàn bộ bò giống nhập khẩu từ Australia, Mỹ và New Zealand. Tổng đàn bò cung cấp sữa cho công ty (bao gồm các trang trại của Vinamilk và bà con nông dân có ký kết) lên tới hơn 120.000 con, với sản lượng khoảng 750 tấn sữa tươi nguyên liệu mỗi ngày.

Ông là Richard de Boer, Giám đốc điều hành Tổ chức chứng nhận Control Union Việt Nam nhận định, Vinamilk hiện sở hữu hệ thống 9 Trang trại được chứng nhận đạt chuẩn Quốc tế trải dài khắp Việt Nam. Đây cũng là hệ thống trang trại GLOBAL GAP lớn nhất Việt Nam, cũng như Đông Nam Á.

Dự kiến tổng đàn bò sẽ được nâng lên khoảng 200.000 con vào năm 2020, với sản lượng dự kiến tăng lên hơn gấp đôi, đáp ứng được 50% nhu cầu sữa tươi nguyên liệu phục vụ sản xuất, đảm bảo nguồn cung cấp sản phẩm sữa bò tươi thuần khiết thiên nhiên dồi dào cho hàng triệu gia đình Việt Nam.

Tại buổi lễ khánh thành trang trại sáng 28/3, bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk chia sẻ: “Tôi tin rằng việc đưa trang trại số 1 – Tổ hợp trang trại bò sữa công nghệ cao Vinamilk Thanh Hóa vào hoạt động sẽ không chỉ giúp Vinamilk đạt được các mục tiêu về kinh doanh mà còn góp phần giúp ngành nông nghiệp chăn nuôi bò sữa địa phương và cả nước phát triển theo hướng bền vững, tiên tiến. Hệ thống các trang trại cũng sẽ đóng góp cho công tác an sinh xã hội của địa phương và cả nước, vì một đất nước Việt Nam phát triển và luôn vươn cao”.

Để hiện thực hóa ước mơ “Vươn cao Việt Nam”, Vinamilk đã tặng 61,633 ly sữa, tương đương 400 triệu đồng cho trẻ em tỉnh Thanh Hóa. Đây cũng là điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình trao sữa năm 2018 của Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam góp phần cải thiện sức khỏe của các em, tạo điều kiện để các em phát triển tốt hơn về mặt thể chất và trí tuệ.

Từ nông trường Thống Nhất trở thành tổ hợp trang trại bò sữa công nghệ cao Vinamilk Thanh Hoá là một bước chuyển mình mạnh mẽ. Nó không chỉ thay đổi cơ cấu phát triển của nông trường mà còn mang đến cho những người nông dân ở đây cơ hội tiếp xúc với các kỹ thuật chăn nuôi bò sữa tiến tiến và hiện đại nhất khu vực.

Nghĩ về ngày mai khi nông trường được khoác chiếc áo mới, ông Cư vui mừng vì không chỉ riêng ông, những người công nhân, đội ngũ lao động của nông trường được tiếp cận với một thế giới mới của khoa học kỹ thuật hiện đại.

“Chúng tôi chăm sóc những ‘cô bò’ này 24 giờ một ngày, cố gắng mang đến chất lượng sống tối ưu nhất cho chúng để có được một nguồn sữa tươi nguyên liệu chất lượng cho người Việt. Muốn làm tốt điều đó, đội ngũ lao động của Tổ hợp trang trại bò sữa Công nghệ cao cũng luôn phải học tập để có thể tiếp thu và ứng dụng những công nghệ mới”, ông Cư nói. Theo ông, đây là cơ hội phát triển dành cho tất cả mọi người, giúp cải thiện cuộc sống, cải thiện bản thân. Hiệu quả công việc sẽ quay lại đền đáp công sức của mỗi cá nhân, vun đắp cho cuộc sống của người lao động từng ngày.

You might also like

Chào mừng anh chị đến với TTNSV - GAP.Org.Vn

X