Thất thoát Thực phẩm và cung ứng lạnh tại Việt nam

Thất thoát và Lãng phí thực phẩm là vấn đề nhức nhối toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp về mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Thất thoát lãng phí thực phẩm tại Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ, thậm chí có mức thất thoát cao hơn so với các nước trong khu vực. Trung bình khoảng ¼ lượng thực phẩm được làm ra tại Việt Nam bị thất thoát trước khi thực sự đến được các nhà máy sản xuất, hay trung tâm phân phối bán lẻ đến tay người tiêu dùng.

Bối cảnh chung

Theo Tổ chức Nông Lương Thế Giới trực thuộc Liên Hiệp Quốc (FAO), thất thoát thực phẩm xảy ra ở khâu sản xuất, sau thu hoạch, chế biến trên chuỗi cung ứng thực phẩm, còn lãng phí thực phực xảy ra ở khâu thương mại, bán lẻ, và tiêu dùng.  Theo Tổ chức Nông Lương Thế Giới, 1/3 lượng thực phẩm các loại trên thế giới sẽ bị thất thoát và lãng phí, tương đương với 1.3 tỉ tấn thực phẩm hàng năm hay 990 tỉ đô la Mỹ mất đi. Không chỉ có thế, thất thoát lãng phí thực phẩm còn chính là báo động đỏ cho việc sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên kém hiệu quả và đồng thời đóng góp một lượng khí thải nhà kính đáng kể hàng năm tương ứng với mức 8%.

Trong quý I 2018, CEL Consulting triển khai khảo sát với 150 hộ sản xuất, hộ nông dân nhỏ – vừa tại Bến Tre (30%), Đà Lạt (29%), Nha Trang (17%), Cần Thơ (14%)… để đo lường mức thất thoát thực phẩm tại Việt Nam. Mức thất thoát thực phẩm trong kết quả khảo sát bao gồm mức hư hỏng, thất thoát trong quá trình sản xuất, thu hoạch, phân loại, đóng gói, vận chuyển, bốc dỡ, lưu trữ, và không bao gồm mức thất thoát trong quá trình chế biến, hay lãng phí thực phẩm trong hoạt động bán lẻ hay tiêu dùng. Nghiên cứu mức thất thoát thực phẩm trong hoạt động chế biến hay hay lãng phí trong bán lẻ và tiêu dùng sẽ được thực hiện trong quý II 2018.

Trong 27 nhóm giải pháp giúp giảm thiểu mức thất thoát lãng phí thực phẩm và đồng thời tăng tính an toàn và chất lượng thực phẩm trên chuỗi giá trị nông nghiệp, thông qua khảo sát này CEL Consulting nghiên cứu thêm về mức sử dụng cung ứng lạnh tại Việt Nam. Cung ứng lạnh giúp thực phẩm bảo toàn mức nhiệt độ cần có thấp nhất trên toàn chuỗi từ nơi đầu nguồn của nông dân đến nơi tiêu thụ bán lẻ, nhằm giúp thực phẩm giảm mức hư hỏng sớm hay kéo dài thời gian trên quầy kệ bán lẻ. Công ty Carrier, trực thuộc tập đoàn UTC United Technologies Corporation, đã triển khai một nghiên cứu về ứng dụng cung ứng lạnh trong chuỗi giá trị trái kinnow thuộc họ cam quít tại Ấn Độ vào 2016 và chia sẻ kết quả nghiên cứu là ứng dụng cung ứng lạnh vào chuỗi kinnow giúp giảm mức thất thoát 76% và đồng thời giảm 16% lượng khí thải.

Thất thoát thực phẩm

Thất thoát rau củ quả và trái cây chủ yếu xảy ra trong quá trình sản xuất, tương ứng với 25.5%, do nhiều nguyên nhân như sâu bệnh, hạn hán, hư hỏng và tuyển chọn khi thu hoạch, và thất thoát sau thu hoạch chỉ chiếm 6.3% do vận chuyển, lưu trữ, bốc dỡ, đóng gói chưa phù hợp. Chẳng hạn, rau củ quả hay trái cây sẽ hư hỏng nhiều khi vận chuyển do đóng gói lỏng lẻo, rời rạc, còn nếu đóng gói quá mức, chồng chất quá mức, sẽ bị dập. Như vậy, có khoảng 31.8% thực phẩm sản xuất ra nhưng bị thất thoát trước khi tới được các nhà máy chế biến, trung tâm phân phối bán lẻ, tương ứng với khoảng 7.3 triệu tấn trái cây và rau củ quả hàng năm bị thất thoát, hoặc nếu quy đổi toàn bộ lượng thất thoát này thành một sản phẩm cụ thể, có thể tưởng tượng chúng ta mất đi khoảng 168 triệu quả chuối mỗi ngày. So với các nước trong khu vực Nam và Đông Nam Á, theo kết quả đánh giá của FAO, hiện Việt Nam đang có mức thất thoát ở nhóm rau củ quả trái cây trong khâu sản xuất cao hơn trong mức trung bình trong khu vực là 10.5%, còn trong khâu sau thu hoạch, mức thất thoát ở Việt Nam thấp hơn mức trung bình trong khu vực là 1.4%.

Đối với sản phẩm thịt, súc sản, thất thoát ở khâu sản xuất chiếm 12%, do tiêm chủng, chăn nuôi hay chuồng trại chưa phù hợp, và thất thoát trong quá trình vận chuyển, lưu trữ, bốc dỡ chỉ chiếm 2%. Nếu quy đổi mức tổng thất thoát 14% trên trong nhóm sản phẩm thịt, trung bình mỗi ngày chúng ta mất đi khoảng 2,000 gia súc, 11,000 con heo, và 139,000 con gà. Theo số liệu của Cục Thống Kê, 2016 Việt Nam trên cả nước có khoảng 5,497,000 gia súc, 29,075,000 heo, 362 triệu gia cầm. Theo đánh giá của FAO, Việt Nam hiện có mức thất thoát thịt trong khâu chăn nuôi, sản xuất cao hơn mức trung bình trong khu vực Nam-Đông Nam Á 6.9% và thất thoát thịt trong khâu sau sản xuất cũng cao hơn trong khu vực 1.7%.

Thất thoát trong nhóm thủy hải sản trong quá trình đánh bắt, nuôi chiếm 9.9% và thất thoát sau đánh bắt là 1.9%, khi quy đổi mức tổng thất thoát 11.9% của nhóm thủy hải sản, hàng năm tầm 804 ngàn tấn thủy hải sản bị thất thoát, hay quy đổi thành khoảng 2.3 triệu con cá tra với trọng lượng tầm 0.95 kg/con bị thất thoát mỗi ngày. So với khu vực, mức thất thoát trong quá trình đánh bắt, nuôi cao hơn mức trung bình trong khu vực 1.7% và Việt Nam thất thoát sản lượng nhóm thủy hải sản trong khâu sau đánh bắt thấp hơn khu vực 3.6%.

Như vậy, trung bình ¼ lượng thực phẩm sản xuất ra trong 3 nhóm sản phẩm chính (rau cu quả trái cây, thịt, thủy hải sản) bị thất thoát trước khi thực sự đến được các nhà máy sản xuất, hay trung tâm phân phối bán lẻ đến tay người tiêu dùng, cao hơn khoảng 5.3% so với các nước trong khu vực. Nếu quy đổi mức thất thoát này, hàng năm chúng ta thất thoát khoảng 3.9 tỉ đô-la Mỹ, hay 2% của GDP cả nước, hay 12.1% của GDP ngành nông nghiệp.  Theo Cục Thống Kê Việt Nam, tổng diện tích đất nông nghiệp cả nước hiện có 117,100km2, và nếu chúng ta làm một phép quy đổi cho 25.4% mức thất thoát thực phẩm trung trình nêu trên để hiểu ảnh hưởng thế nào về mặt tài nguyên cả nước từ lượng thất thoát này, tổng mức thất thoát thực phẩm trên tương đương với diện tích 29,696km2 hay 9% đất đai cả nước, tức tương đương với một diện tích gộp của Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp.

Ứng dụng cung ứng lạnh trên chuỗi giá trị nông nghiệp

Cũng qua khảo sát này của CEL Consulting, hiện chỉ có 14% hộ sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam ứng dụng giải pháp cung ứng lạnh, trong đó nhóm hộ sản xuất thủy hải sản hiện đang dùng giải pháp cung ứng lạnh chiếm cao nhất với mức 42.1%, sau đó là nhóm hộ sản xuất rau củ quả trái cây với mức 7.5%. Các hộ sản xuất thực phẩm có hoạt động xuất khẩu sử dụng cung ứng lạnh trên chuỗi chiếm 66.7%, trong khi các hộ sản xuất thực phẩm phục vụ thị trường tiêu thụ nội địa có dùng cung ứng lạnh chỉ chiếm 8.2%. Điều này có lẽ do đặc thù yêu cầu tiêu chuẩn cao trong thị trường xuất khẩu, làm cho các hộ sản xuất hướng đến xuất khẩu bắt buộc phải tuân thủ để giữ được thương hiệu nhà cung cấp tin cậy. Trong khi đó, thị trường tiêu dùng thực phẩm nội địa chưa có những yêu cầu tiêu chuẩn khắt khe về cung ứng lạnh với các đơn vị tham gia trên chuỗi, và thường thì các đơn vị tham gia kinh doanh chuỗi thực phẩm nội địa xem cung ứng lạnh làm tăng chi phí sản phẩm trực tiếp hơn, thay cho nét nghĩ cung ứng lạnh là một phần tất yếu tăng chất lượng và thời gian trên kệ của sản phẩm.

Tại Việt Nam, đa phần để giữ cho sản phẩm có độ tươi nhất thường được các đơn vị kinh doanh trên chuỗi thực phẩm chọn phương án tập trung làm sao rút ngắn thời gian và khoảng cách từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ, có nghĩa là làm thế nào để thực phẩm từ nông trại đến các hộ gia đình tiêu dùng trong khoảng thời gian ngắn nhất. Một tín hiệu đáng mừng là 23.1% các hộ sản xuất thực phẩm chia sẻ qua khảo sát là có ý định đầu tư và ứng dụng công nghệ bảo quản lạnh – mát trong tương lai để giảm lượng thất thoát thực phẩm như hiện nay.  

Chia sẻ của ông Julien Brun, CEL Consulting

www.cel-consulting.com

You might also like

Chào mừng anh chị đến với TTNSV - GAP.Org.Vn

X