TS Đặng Kim Sơn: Cần lập ‘tuyến đường xanh’ cho nông sản

Các bộ ngành, địa phương cần tổ chức một “tuyến đường xanh” ưu tiên nông sản để đảm bảo lưu thông, tránh tình trạng ngăn sông cấm chợ trong bối cảnh dịch bệnh.

TS Đặng Kim Sơn, Phó chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, đưa ra đề xuất trên khi trả lời VnExpress.

– Ông nhận thấy điều gì trong suốt quá trình quan sát tình hình tiêu thụ nông sản ở Hải Dương, Bắc Giang qua các đợt dịch?

– Tiêu thụ nông sản trong điều kiện bình thường đã luôn là mối lo thường trực của nông dân và lại càng căng thẳng hơn khi dịch hoành hành. Câu chuyện nông sản ùn ứ phải giải cứu ở Hải Dương trong đợt dịch hồi đầu năm, đến tiêu thụ thuận lợi vải thiều Bắc Giang đã có sự thay đổi khá rõ ràng nhờ được chuẩn bị cẩn thận, bài bản hơn.

Tôi nghĩ có bốn yếu tố làm nên sự khác biệt này. Thứ nhất, sự chuẩn bị của các bộ ngành từ mấy năm trước đã tạo điều kiện mở rộng thị trường quốc tế, nhất là các thị trường cao cấp, tạo thuận lợi cho nông sản xuất khẩu.

Hai, vải thiều trồng đã quy hoạch thành vùng chuyên canh, quản lý khá tốt về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn và truy xuất nguồn gốc.

Ba, tỉnh đã chuẩn bị sẵn kịch bản tiêu thụ và tìm cách gỡ tình thế “ngăn sông cấm chợ” để đưa hàng đến cửa khẩu, nơi tập kết. Cuối cùng là sự nhanh nhạy trong khai thác công nghệ, số hóa để giới thiệu sản phẩm, đưa quả vải lên sàn thương mại điện tử kết hợp các chuỗi bán lẻ, bán buôn ở chợ truyền thống trong nước.

TS Đặng Kim Sơn phát biểu trong diễn đàn chuyên đề về nông nghiệp hồi tháng 6/2018. Ảnh: Ngọc Thành

TS Đặng Kim Sơn phát biểu trong diễn đàn chuyên đề về nông nghiệp hồi tháng 6/2018. Ảnh: Ngọc Thành

– Sự thay đổi này đặt ra cho các tỉnh, thành bài học gì về tiêu thụ nông sản trong dịch?

– Cần sự vào cuộc của cả bộ ngành trung ương, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân. Nếu tất cả các bên cùng nỗ lực phối hợp nhịp nhàng thì có thể xử lý được nhiều vấn đề của nông sản. Nhất là các địa phương, luôn cần chủ động chuẩn bị kịch bản ứng phó với các tình huống phát sinh, giúp doanh nghiệp và nông dân tiêu thụ, lưu thông cho nông sản trong dịch, phá thế “ngăn sông cấm chợ”.

Việc chuyển hướng tiêu thụ tốt trong nước cũng là cơ hội nhìn nhận lại tiềm năng của thị trường gần 100 triệu dân có thu nhập đang tăng. Nhất là các loại nông sản dễ hỏng, khó quản lý như hoa tươi, trái cây.

Việc phủ kín thị trường trong nước là thách thức, cũng là cơ hội cho nông sản từng vùng miền, nên có sự tính toán thêm.

– Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Theo ông, nên làm gì để việc vận chuyển, tiêu thụ nông sản không bị ách tắc bởi các chốt kiếm soát?

– “Ngăn sông, cấm chợ” luôn có thể xảy ra khi địa phương sản xuất nào đó trở thành vùng dịch, tại thị trường tiêu thụ bị phong tỏa, hoặc các tỉnh dọc đường lưu thông kiểm soát dịch. Một số địa phương đặt mục tiêu an toàn trên hết, kiểm soát chặt người và phương tiện đi qua đã biến địa bàn mình thành “lãnh địa riêng”. Dù không nơi nào tuyên bố cấm hẳn lưu thông, nhưng các thủ tục rườm rà với chi phí tốn kém có thể triệt tiêu mọi nhiệt huyết hỗ trợ nông dân đang phải xoay sở trong đại dịch.

Nông dân Bắc Giang đem vải thiều đi cân, tháng 6/2021. Ảnh: Giang Huy

Nông dân Bắc Giang đem vải thiều đi cân, tháng 6/2021. Ảnh: Giang Huy

Việc tổ chức tiêu thụ vải thiều bài bản hơn ở Bắc Giang đã đặt ra vấn đề xác lập tình trạng bình thường mới trong bối cảnh đợt dịch, ổ dịch mới có thể bùng phát bất cứ đâu. Việc này đòi hỏi nỗ lực liên ngành, đi kèm phân định trách nhiệm người lãnh đạo địa phương. Rõ ràng đã đến lúc cần chuyển từ tư duy “giải cứu” bị động sang chủ động trong tổ chức sản xuất, lưu thông hàng hóa, di chuyển lao động, chuyên gia nước ngoài cho cả nông nghiệp và công nghiệp.

Với nông sản, cần tổ chức đồng bộ một “tuyến đường xanh”. Trong đó hàng hóa được kiểm soát tốt ngay từ vùng sản xuất, với những tổ chức và quy chuẩn lưu thông chặt chẽ, tín hiệu chỉ báo dán trên xe có thể phá thế “lãnh địa riêng”, khơi dòng chảy thông suốt cho hàng hóa các vùng phải kiểm soát. Đây là việc nên làm ngay để đối phó với không chỉ dịch bệnh mà còn thiên tai và các tình huống đột xuất.

– Đề xuất cụ thể của ông về việc này như thế nào?

– Tại vùng sản xuất, địa phương, bộ ngành làm việc với doanh nghiệp, nông dân xem nông sản chính nào sắp thu hoạch, khối lượng hàng hóa ra sao, thị trường tiêu thụ ở đâu. Sau đó lên kế hoạch các điểm tập kết hàng đảm bảo an toàn vệ sinh, lái xe được tiêm chủng, xét nghiệm định kỳ. Khi đã xong khâu kiểm định, xe hàng được kẹp chì niêm phong và dán biển hiệu chỉ báo “xe của tuyến đường xanh” chẳng hạn.

Dọc đường đi, xe phải đi đúng tuyến đường định sẵn, có thể theo dõi bằng camera hành trình, hệ thống GPS, đi theo đoàn… Phương tiện nào làm sai quy định về đường đi, người vận chuyển, thời gian, địa điểm, hàng hóa phải bị loại ngay, xóa logo hoặc biển hiệu “tuyến đường xanh”. Xe đi qua các tỉnh thành, chốt kiểm soát được khử khuẩn phòng dịch và hỗ trợ kỹ thuật nhưng không ngăn chặn, kiểm soát lại.

Tại điểm đến, chính quyền địa phương tổ chức sẵn điểm tiếp nhận là nơi trung chuyển hoặc vùng đệm để giao hàng. Kiểm tra giấy tờ, mở kẹp chì xong, đưa ngay vào hệ thống tiêu thụ. Điểm bán cũng cần kiểm soát an toàn dịch bệnh. Loại bỏ các khâu trung gian, chấm dứt các điểm bán hàng “giải cứu” ngoài lề đường.

Tôi cho rằng đây là giải pháp khả thi nếu có sự phối hợp đồng bộ liên ngành, liên vùng, liên tỉnh. Chính phủ xây dựng tổ công tác liên ngành (công thương, nông nghiệp, giao thông, y tế, công an) để thống nhất chương trình, phân công địa phương liên quan cùng tham gia kế hoạch. Tổ công tác này cũng sẽ là “đầu mối” để doanh nghiệp đăng ký thủ tục vào tuyến đường xanh.

Ta nói nhiều về 4.0, thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến. Song quyết định thành bại của tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch bệnh phải là sự kết hợp đồng bộ giữa các khâu chào hàng, giao dịch, thanh toán và nhất là không bị cản trở trong quá trình vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng. Nếu khâu này tắc thì 4.0 cũng không làm được gì.

Xe chở vải thiều xuất khẩu được đi luồng ưu tiên.Ảnh: Thế Phương

Xe chở vải thiều xuất khẩu được đi luồng ưu tiên. Ảnh: Thế Phương

Lần đầu tiên Bắc Giang đã đề nghị truyền thông không dùng từ “giải cứu” vì lo ngại tụt giá nông sản. Như vậy, đây là thông điệp cho thấy đã đến lúc cần thay đổi tư duy về “giải cứu”?

– Tôi nghĩ đề nghị đó là hợp lý, vấn đề không phải chỉ là khiến giá cả xuống thấp nếu dùng từ đó, mà đã đến lúc cả xã hội cần thay đổi cả tư duy định hướng cho hành động. Từ “giải cứu” làm người ta liên tưởng đến cứu trợ nhân đạo – nghĩa cử tình cảm ngắn hạn. Trong bối cảnh “bình thường mới”, việc tiêu thụ nông sản khi xuất hiện ổ dịch là hoạt động kinh tế mang tính dài hạn.

Trước hết, không thể cư xử với nông sản, nông dân theo kiểu nhân đạo như kẻ mạnh nhìn xuống người yếu thế mà ban phát sự hỗ trợ. Đông đảo nông dân có lẽ không cần và cũng không thể sản xuất kinh doanh lâu dài dựa vào điều đó. Việt Nam có lợi thế cao về nông nghiệp, nông dân là lực lượng mạnh nếu được phát huy và bảo vệ. Việc cần làm là tìm đường cho nông sản tiếp cận thị trường tiêu thụ, nông dân có cơ hội phát triển và nông nghiệp phát huy tiềm năng.

Những chính sách hỗ trợ trong Covid-19 hầu như vắng bóng nông dân sản xuất nhỏ, vùng đồng bào, và các chính sách liên quan chỉ đến được tay họ với một tỷ lệ rất nhỏ. Nông dân là nền móng của sức mạnh ổn định chính trị xã hội trong khó khăn và là động lực quan trọng phát triển kinh tế khi thuận lợi. Giữa đại dịch, trọng tâm không phải giảm nghèo mà là bảo vệ sinh kế tối thiểu để số đông nông dân và kinh tế hộ dễ tổn thương không rơi xuống mức nghèo. Khi chưa có chính sách hỗ trợ thì cần tháo gỡ khó khăn cho họ trước.

Nguồn VnExpress – Hoàng Phương

You might also like

Chào mừng anh chị đến với TTNSV - GAP.Org.Vn

X