Những điều thú vị về hạt lúa

TBKTSG) – Cứ 10 ký lúa thì xay được 7 ký gạo, bạn biết con số này nhưng có hiểu lịch sử phát triển và nhiều điều còn bỏ ngỏ của hạt ngọc trời này?
Nguyễn Thanh Lâm

Nguồn gốc và lịch sử

Hạt lúa là hiện thân của nữ thần nông nghiệp Demeter cũng là vị thần bảo hộ của tuổi xử nữ, theo thần thoại Hy Lạp. Thế nhưng Hy Lạp và La Mã ngày xưa chẳng mặn mà gì với việc trồng lúa. Có thể họ đã đúng vì thời tiết, vì cách trồng trọt và cả sự thâm dụng lao động của nghề trồng lúa. Khởi đi từ vùng châu thổ sông Dương Tử bên Trung Quốc với những hạt giống của 10.000 năm trước đây được tìm thấy, có nhà khảo cổ ước lượng thời điểm đã được gieo trồng thử cách khoảng 13.500 năm, và trồng đại trà cách đây 5.000 năm. Nguồn gốc hình thành hạt lúa của tạo hóa có thể đã có từ hàng triệu năm trước .

Hạt lúa đã phiêu du đến thung lũng sông Hằng của Ấn Độ, qua Vân Nam, Bắc Thái Lan và Myanmar (khoảng 7.000 năm truớc).

Một nhánh đi về phía Ba Tư cũ (vùng Mesopotamien giữa Iran và Iraq). Một nhánh phiêu du qua Nhật Bản (khoảng 800 năm trước Công Nguyên) và một nhánh qua Việt Nam, Indonesia cách đây gần 3.000 năm.
Chính Đại đế Alexander (A Lịch Sơn) đã đem những hạt lúa qua châu Âu 300 năm trước Công Nguyên, và mất khoảng 1.000 năm sau mới gieo gặt thành công trong thời Phục Hưng (thế kỷ 14-17) ở bình nguyên Po của Ý, Ai Cập. Riêng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã có những cánh đồng lúa từ thế kỷ thứ 10 và đó là cửa ngỏ để hạt lúa đến châu Mỹ vào thế kỷ 17, tạo nên vùng đại canh tác lúa ở Arkansas và Louisiana ngày nay.

Vị trí của hạt lúa

Trên thế giới, cứ hai người thì có một người ăn cơm. Hạt lúa giúp 3,5 tỉ người hiện nay có đủ năng lượng cơ bản để tồn tại và sinh sống. Châu Á sản xuất 95% và tiêu thụ 90% sản lượng lúa gạo toàn cầu (khoảng 700 triệu tấn lúa, tương đương 490 triệu tấn gạo).

Có khoảng 200 triệu hộ trồng lúa ở vùng Nam và Đông Á, và mỗi hộ chỉ có trung bình chưa tới 0,8 héc ta. Vì thế, cánh đồng lớn chỉ là giấc mơ da beo khó là điển hình đại nông nghiệp. Có đến 100 nước trồng lúa, trong biên độ vĩ tuyến 40 độ Nam và 53 độ Bắc bán cầu, chủ yếu là những vùng đất ngậm nước ở các cửa sông. Dù thời tiết trung bình là 33 độ C ở Parkistan hay 17 độ C ở Nhật Bản đều trồng được lúa với điều kiện đất không nhiễm mặn quá mức cho phép.

Sách Kinh thi và Kinh thư ngày xưa đã xếp lúa gạo đứng đầu bách cốc là một trăm thứ thực vật ăn được, thuộc lục cốc và nói chung là ngũ cốc (Đạo/lúa -Thủ/kê -Tắc(hay Túc)/bắp – Mạch/đại, tiểu, hắc và yến mạch – Thục/đậu nành).

Hạt lúa còn đầy bí ẩn

Vạn Lý Trường Thành dài 21.196 ki lô mét có chất kết dính là gạo nếp trộn với vôi. Rơm rạ và tranh làm nhà vách đất ẩm hoặc đất sét tự khô dưới nắng mặt trời. Nhúm hạt trấu nằm giữa lòng gạch khi nung lên hóa tro và đã tạo không gian cách ly để cách nhiệt một cách tuyệt vời. Hạt lúa đã đi vào công nghệ xây dựng như thế.
Mới đây, các nhà khoa học Hàn Quốc đã tìm ra công thức và quy trình để biến trấu thành pin cho tương lai, thay thế pin lithium-ion vì nguồn đất hiếm sẽ rất… hiếm!

Tro trấu có thể giúp làm trắng răng. Củi trấu, than trấu là nguồn chất đốt. Trấu cũng là phân bón. Sợi cellulose của trấu là chất liệu làm tơ nhân tạo rất tốt. Tro trấu có đến 80-90% SiO2 mà ta đang phải nhập về.
Gạo làm ra rượu, dấm, sữa, kem, bột gạo, bánh tráng, bánh biscuit, bánh gạo, mì risotto, nấu bia có độ cồn nhẹ (beer lightness) và cả giấy viết. Dầu gạo rất giàu dinh dưỡng mà ít ai biết còn gạo nâu (gạo lứt) thì có nhiều vitamin.

Tạm dừng câu chuyện

Ở Singapore, trong ngôn ngữ “Singlish”, thất nghiệp là “chén cơm tấm “(broken rice bowl) và có việc làm ngon lành là “chén cơm sắt” (iron rice bowl).

Ở Trung Quốc xa xưa , thiên hạ kháo với nhau muốn hạnh phúc một giờ thì túi thơ bầu rượu, muốn hạnh phúc ba ngày thì làm đám cưới, thêm bảy ngày thì trăng mật, còn muốn suốt đời hạnh phúc thì ăn cơm!

Có một trang web mang tên oryza chuyên cập nhật thông tin về gạo. Oryza là tên Latinh của lúa. Ai làm nghề gạo thì biết đến nó. Tuy nhiên, những nội dung của bài viết này không có ở đó. Nó là sự đồng cảm của người viết với những gia đình làm nông, là kết quả của tình yêu đối với hạt gạo đã góp phần làm nên văn minh của nhân loại. Là kỷ niệm 30 năm buôn bán gạo của người viết bài này.

Bạn ăn cơm chưa? Hỏi câu đó có nghĩa là bạn có khỏe không?

Chúc các bạn ăn ngon nhé!

Nguyễn Thanh Lâm

You might also like

Chào mừng anh chị đến với TTNSV - GAP.Org.Vn

X