10 điểm nghẽn trong phát triển nông nghiệp

Doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận đất đai, quá trình tích tụ ruộng đất diễn ra chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất là những vướng mắc lớn đang hạn chế hoạt động phát triển của ngành nông nghiệp.

10 điểm nghẽn trong phát triển nông nghiệp

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp

Từ một nước nông nghiệp lạc hậu, phải nhập khẩu lương thực, sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã trở thành một nước sản xuất nông nghiệp hàng hóa, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn trở thành quốc gia xuất khẩu nông sản thuộc nhóm hàng đầu trong khu vực và trên thế giới.

Theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, năm 2017, Việt Nam có hơn 9 mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD. 6 tháng đầu năm 2018, nhiều sản phẩm nông nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu cao như thủy sản hơn 3,9 tỷ USD; cà phê 2 tỷ USD; rau quả 2 tỷ USD; gạo 1,8 tỷ USD; hạt điều 1,7 tỷ USD.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn còn phát triển thiếu bền vững; năng suất, chất lượng, hiệu quả chưa cao; sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm còn thấp.

“Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, quy mô nhỏ, đầu tư cho nông nghiệp còn thấp, ứng dụng khoa học công nghệ còn chậm; sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết; thị trường tiêu thụ nông sản còn thiếu ổn định”, Phó Thủ tướng nhận định.

Tại Hội nghị toàn quốc thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sáng 30/7, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện nay cả nước có khoảng hơn 49.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm 8% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước. Tuy nhiên các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất các sản phẩm nông, lâm, thủy sản chỉ chiếm khoảng 1% tổng số doanh nghiệp với số lượng 7.600 doanh nghiệp. Hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp chủ yếu hiện nay vẫn ở dạng hộ sản xuất với hơn 9,2 triệu hộ.

Về cơ cấu doanh nghiệp, khoảng 90% doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là doanh nghiệp tư nhân; còn lại là các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI. 96% các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chủ yếu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ.

Đáng chú ý, về nguồn vốn sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 8% đến 10% tổng nguồn vốn của toàn khu vực doanh nghiệp. Trong đó, vốn của các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất chỉ chiếm khoảng 1%.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn vừa qua, mặc dù doanh thu của doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp có xu hướng tăng nhẹ, chiếm 15 – 16% doanh thu của toàn bộ doanh nghiệp trong nền kinh tế nhưng lợi nhuận của các doanh nghiệp nhóm ngành trực tiếp sản xuất lại có xu hướng giảm. Nhìn chung, lợi nhuận bình quân của doanh nghiệp trong ngành trực tiếp sản xuất nông nghiệp chỉ đạt 1,08 tỷ đồng, trong khi doanh nghiệp trong ngành chế biến sản phẩm nông nghiệp đạt 3,2 tỷ đồng lợi nhuận bình quân/năm.

Năng suất lao động ngành nông nghiệp còn hạn chế, chỉ bằng khoảng 38% năng suất lao động bình quân chung cả nước và thấp hơn hầu hết các nước trong khu vực.

Lý giải nguyên nhân của thực trạng này, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, hiện đang tồn tại 10 nhóm vấn đề chính gây khó khăn, vướng mắc và hạn chế hoạt động phát triển của ngành nông nghiệp.

Thứ nhất, doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận đất đai để tổ chức sản xuất. Quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, đặc biệt là quy hoạch các vùng nguyên liệu chưa được triển khai hiệu quả, còn thiếu sự ổn định.

Bên cạnh đó, quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp diễn ra chậm, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, đặc biệt là sản xuất hàng hóa quy mô lớn của doanh nghiệp; việc tiếp cận đất đai của nhà đầu tư thông qua việc nhận quyền sử dụng đất, thuê đất trực tiếp trên thị trường để tổ chức sản xuất nông nghiệp còn gặp khó khăn do chưa có sự đồng thuận của người sử dụng đất.

Thứ hai, doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng, một phần do thiếu các quy định, hướng dẫn cụ thể về định giá tài sản trên đất nông nghiệp làm cơ sở xác định giá trị tài sản bảo đảm vay vốn ngân hàng.

Quy định, thủ tục liên quan đến thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế nhập khẩu chưa hợp lý, chưa khuyến khích được doanh nghiệp sản xuất trong nước so với doanh nghiệp nhập khẩu. Còn nhiều loại thuế, phí trong nông nghiệp gây khó khăn, cản trở kinh doanh, làm tăng chi phí của doanh nghiệp.

Thứ ba, việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là giải pháp rất quan trọng để nâng cao năng suất, nhưng ngành công nghiệp cơ khí hỗ trợ cho nông nghiệp ở Việt Nam còn nhiều hạn chế về số lượng và chất lượng. Hiện nay, hầu hết máy móc thiết bị của doanh nghiệp đều phải nhập khẩu từ nước ngoài do ngành chế tạo máy phuc vụ nông nghiệp ở Việt Nam còn rất thô sơ, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường.

Thứ tư, khó khăn về giống cây trồng, vật nuôi, hầu hết các doanh nghiệp hiện nay phải nhập khẩu giống cây trồng, vật nuôi từ nước ngoài. Một số doanh nghiệp phản ánh mặc dù phát hiện nhiều gen, giống cây trồng rất tốt từ các kết quả nghiên cứu trong nước, nhưng không thể hoặc rất khó tiếp cận và nhận chuyển giao từ các viện nghiên cứu của Nhà nước.

Thứ năm, thị trường tiêu thụ không bền vững; chuỗi liên kết còn chưa chặt chẽ với các nhà phân phối bán lẻ lớn; chưa có tổ chức,cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp về phân tích, dự báo thị trường, khuyến nghị về sản lượng và giá bán.

Việc tổ chức sản xuất theo các mô hình liên kết vẫn còn nhiều hạn chế do khả năng hợp tác, liên kết của người dân, doanh nghiệp còn yếu, vẫn còn xảy ra tình trạng dư thừa sản phẩm nông nghiệp ảnh hưởng tới thu nhập của người sản xuất.

Thứ sáu, nhân lực đa số trình độ thấp, tính tự do, manh mún cao; chưa được đào tạo về tiến bộ của công nghệ, kỹ thuật. Lao động vùng nông thôn tuy dồi dào nhưng ý thức công nghiệp chưa cao, mất nhiều thời gian đào tạo và tuyên truyền vận động. Mối quan hệ giữa lao động nông thôn với các doanh nghiệp cũng chưa được gắn bó, ổn định.

Thứ bảy, ưu đãi về đầu tư công nghệ trong nông nghiệp chưa đủ mạnh; còn nhiều rào cản đối với việc công nhận và đưa ra thị trường các sản phẩm công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp; sản xuất đại trà còn chậm, mang tính nhỏ lẻ nên hiệu quả mang lại chưa cao.

Thứ tám, hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp như giao thông, thủy lợi, hạ tầng nuôi trồng thủy sản chưa phát triển làm tăng chi phí cải cải tạo, chi phí vận chuyển, bảo quản hàng nông sản.

Bên cạnh đó, thị trường các yếu tố đầu vào bất ổn, một số yếu tố đầu vào phải nhập khẩu như thuốc bảo vệ thực vật phải nhập khẩu 100%, kể cả dung môi phụ gia với thuế suất 10-20% dẫn đến giá thành cao, trong khi kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp có lợi nhuận biên thấp, rủi ro cao, chu kỳ kinh doanh lâu.

Thứ chín, nhiều thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong nông nghiệp còn bất hợp lý, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển chưa được thực thi một cách nghiêm túc ở một số địa phương.

Vấn đề chồng chéo trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành vẫn chưa được giải quyết triệt để. Tình trạng một mặt hàng phải chịu sự kiểm tra của nhiều đơn vị khác nhau cùng thuộc Bộ đã và đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Thủ tục, thời gian kiểm tra chuyên ngành đối với nông sản xuất nhập khẩu còn bất hợp lý.

Thứ mười, còn nhiều hạn chế trong quản lý nhà nước và truyền thông về an toàn thực phẩm, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc nêu trên, khơi thông nguồn lực từ doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Dũng cho rằng, về phía các cơ quan Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 về cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp một cách nghiêm túc và thực chất. 

Đồng thời, nhanh chóng có giải pháp tạo quỹ đất, quy hoạch các vùng đất nông nghiệp, vùng nguyên liệu minh bạch, ổn định. Nghiên cứu, sửa đổi chính sách tạo điều kiện cho việc chuyển đổi đất nông nghiệp, thúc đẩy tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người nông dân và doanh nghiệp.

Về phía cộng đồng doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng, cần đẩy mạnh tái cơ cấu, tăng cường liên kết, hợp tác kinh doanh, hỗ trợ nâng cao năng lực của các hộ nông dân, hợp tác xã theo hướng sản xuất nông sản sạch, nông sản hữu cơ;

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất kinh doanh bắt kịp sự thay đổi nhanh chóng của cách mạng công nghiệp 4.0; nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp.

An Chi – TheLEADER
You might also like

Chào mừng anh chị đến với TTNSV - GAP.Org.Vn

X