Nông nghiệp Nga “Người khổng lồ thức giấc” sau cấm vận và tầm nhìn đến 2024.
Lệnh cấm vận đối với các mặt hàng nông sản của các nước phương Tây và chính sách chủ động của Điện Kremlin đã tạo động lực cho ngành nông nghiệp Nga phát triển nhanh chóng.
Đó là nhận định của tác giả Léo Vidal-Giraud trong bài viết “Cách Nga trở thành nước dẫn đầu thế giới về nông sản” đăng trên tạp chí L’Express của Pháp số ra tháng 4-2021. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Mùa hè năm 2019, một đoàn nông dân Pháp đã đến Moscow theo lời mời của một công ty tư vấn để khám phá nền nông nghiệp Nga. “Chúng tôi đến để xem sẽ được ăn loại nước sốt nào”, một người trong số họ châm biếm ngay trước khi đoàn lên đường đến miền Nam nước Nga, nơi được xem là vựa lúa mì của đất nước.
Sản lượng thu hoạch lúa mì của Nga đạt kỷ lục trong năm 2020. Ảnh: terre-net.fr |
Vài ngày sau chuyến thăm, giọng điệu của người nông dân này đã thay đổi. Ông thốt lên, ngượng nghịu: “Chúng tôi sẽ phải đổi mới chính mình. Chúng tôi không thể cạnh tranh với họ”. Người đàn ông Pháp này sau đó kể rằng, ông hoàn toàn bất ngờ khi biết về nền nông nghiệp mới của Nga. Nó đã thay đổi rất nhiều trong những năm gần đây, đến nỗi Nga-vốn là nhà nhập khẩu ròng trong nhiều thập kỷ-đã trở thành nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới trong năm 2017, vượt qua cả nước láng giềng và cũng là đối thủ Ukraine. Lúa mì, ngô, lúa mạch, kiều mạch cũng như thịt lợn, gia cầm và các sản phẩm từ sữa…, chế biến thực phẩm của Nga đang trong thời kỳ hoàng kim thực sự.
Làm thế nào mà Nga, với nền nông nghiệp trải qua nhiều năm suy sụp trong thế kỷ 20, từ quá trình tập thể hóa bắt buộc với nông nghiệp thập niên 1930 và sau đó là sự bất lực của Liên Xô trước sự hỗn loạn trong những năm 90 của thế kỷ trước, lại đạt được kỳ tích này? Câu trả lời chính là bước ngoặt trong năm 2014. Để đối phó với các lệnh trừng phạt tài chính và chính trị mà Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ áp đặt sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra lệnh cấm vận nghiêm ngặt đối với các mặt hàng nông sản từ châu Âu. Trái cây, rau, củ, các sản phẩm từ sữa, thịt, ngũ cốc… có nguồn gốc từ châu Âu chỉ trong một đêm đã biến mất khỏi các cửa hàng của Nga. Biện pháp này không chỉ gây thiệt hại cho nông dân châu Âu khi mất đi một thị trường quan trọng mà còn tạo động lực quyết định đối với các nhà sản xuất Nga.
Ông Mikhail Makarov, Đại diện thương mại của Nga tại Pháp, cho biết: “Ngay từ đầu, các biện pháp trừng phạt đáp trả này được coi là công cụ đấu tranh địa chính trị và cũng là cơ hội cho các nhà sản xuất Nga. Người Nga phải lấy lại vị trí trên thương trường, và đó là những gì đã xảy ra”. Một năm sau lệnh cấm vận của EU và Mỹ, nước Nga đã tự túc được 87% thịt, sản lượng thịt lợn của Nga đã tăng 30% trong 5 năm.
Bên cạnh việc loại trừ hầu hết sự cạnh tranh từ nước ngoài, Chính phủ Nga cũng đầu tư nguồn lực lớn vào phát triển và hiện đại hóa nền nông nghiệp. Trong năm 2021, Nga có kế hoạch đầu tư hơn 77 tỷ rúp (857 triệu euro) vào chương trình phát triển nông nghiệp quốc gia, dưới hình thức các khoản vay ưu đãi, tín dụng thuế và trợ cấp. Nga cũng hỗ trợ xuất khẩu, với các khoản trợ cấp đặc biệt hướng đến logistics.
Hiệu quả của khoản viện trợ này được nhân lên nhờ cấu trúc của thị trường nông sản Nga, do các công ty nông sản khổng lồ (còn gọi là cổ đông nông nghiệp) thực hiện. Bà Olga Golovkina, chuyên gia về thị trường nông sản Nga cho biết, hơn 50% diện tích đất nông nghiệp của Nga được khai thác bởi những công ty này. Mỗi công ty khai thác hoạt động từ 100.000 đến 600.000ha. Các công ty sản xuất sữa có đàn gia súc lên đến 50.000 con. Cấu trúc cơ bản này khác nhiều so với Pháp, vốn được tạo thành từ các trang trại nhỏ liên kết trong hợp tác xã.
Các công ty nông sản của Nga đã đầu tư vốn vào máy móc, hạt giống có chất lượng và hiện đang chuyển sang công nghệ mới. Máy thu hoạch tự động, giám sát đồng ruộng và đàn gia súc bằng máy bay không người lái và vệ tinh, tăng cường sử dụng các cảm biến được kết nối… là những công nghệ mới mà các công ty nông sản của Nga đang áp dụng. Và ở đây, Nhà nước cũng đóng vai trò động lực. Năm 2019, thông qua Chương trình “Nông nghiệp kỹ thuật số”, Chính phủ Nga đã hỗ trợ hiện đại hóa ngành nông nghiệp trong nước và tài trợ tới 50% chi phí cho các công nghệ mới này.
“90% máy móc mới đều là công nghệ nước ngoài, của châu Âu hoặc Mỹ”, bà Olga Golovkina cho biết thêm. Tuy nhiên, đổi mới công nghệ trên thực tế không bị ảnh hưởng bởi các lệnh cấm vận, do đó đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Pháp. “Kinh nghiệm của các chuyên gia nông nghiệp châu Âu luôn được chào đón ở Nga. Thông qua việc mở cửa các công ty sản xuất tại chỗ, chuyển giao công nghệ và đào tạo các chuyên gia Nga, một số công ty Pháp có thể tận dụng lợi thế của thị trường tăng trưởng rất mạnh này”, Irina Parisot, Chủ tịch Câu lạc bộ doanh nghiệp Pháp-Nga New Horizons nhấn mạnh.
VŨ PHƯƠNG LINH (biên dịch)
QĐND
(Chinhphu.vn) – Nga trong năm nay có thể sẽ vượt Mỹ để trở thành “kỷ lục gia” thế giới về xuất khẩu lúa mì. Bộ Nông nghiệp Nga tin rằng nước này có thể giành lại được vị thế của một nước xuất khẩu ròng các sản phẩm nông nghiệp trong 2 năm tới và lấy lại ngôi vị xuất khẩu lương thực vốn đã bị mất 65 năm trước.
Bộ Nông nghiệp Nga dự kiến nước này sẽ xuất khẩu ròng vào năm 2020 – Ảnh: RIA Novosti |
Do nhập khẩu hiện vẫn lớn hơn xuất khẩu nên Tổng thống Nga V.Putin đã đề ra nhiệm vụ trong 4 năm tới nhằm tự túc được các loại thực phẩm cơ bản. Bộ Nông nghiệp Nga dự kiến nước này sẽ xuất khẩu ròng vào năm 2020.
Theo số liệu về vụ mùa do cơ quan thống kê Rosstat công bố, sản lượng ngữ cốc tăng hơn 1 triệu tấn so với cùng kỳ này năm ngoái. Cơ quan này cho biết, trong vụ mùa này (từ tháng 7/2017-tháng 6/2018), Nga thu hoạch được 135,393 triệu tấn ngũ cốc, trong đó có 85,9 triệu tấn lúa mì.
Tổng thống V.Putin trong thông điệp liên bang cho biết rằng, con số này vượt cả mức cao nhất đạt được dưới thời Liên Xô là 127,4 triệu tấn vào năm 1978.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nga Alexander Tkachev, tiềm năng xuất khẩu ngũ cốc của Nga trong năm nay có thể đạt 50 triệu tấn. Trước đó, Bộ này dự báo xuất khẩu ngũ cốc đạt mức 45-47 triệu tấn, trong đó có 35 triệu tấn lúa mì.
Cũng theo Bộ này, từ 1/7 năm ngoái đến ngày 21/2/2018, Nga cung cấp 33,548 triệu tấn ngũ cốc cho thị trường nước ngoài, tăng 39,7% so với năm trước. Đồng thời, xuất khẩu lúa mì tăng hơn 40% – 26,25 triệu tấn và kiều mạch là 2,9 triệu tấn.
Khách hàng mua ngũ cốc của Nga là hơn 100 quốc gia trên thế giới, bao gồm Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh, Saudi Arabia, Indonesia, Azerbaijan, Nigeria…
Xuất khẩu nông sản nhiều hơn vũ khí
Theo Bloomberg, vụ mùa 2017-2018, xuất khẩu lúa mì của Nga tăng 30% so với năm ngoái (36,6 triệu tấn) và nước này sẽ trở thành nhà cung cấp lớn nhất trong vòng 100 năm qua. Cho đến nay, kỷ lục này thuộc về Mỹ, vào năm 1992-1993, nước này đã xuất 36,8 triệu tấn lúa mì ra thị trường thế giới.
Bộ trưởng Alexander Tkachev nói rằng Nga dự định sẽ tiếp tục trở thành nhà cung cấp lúa mì hàng đầu thế giới.
“Ngay cả khi thu hoạch lúa mỳ giảm thì chúng tôi vẫn giữ vững ngôi đầu”, người đứng đầu ngành nông nghiệp Nga nhấn mạnh và cho biết thêm rằng điều này đạt được nhờ thu hoạch đạt mức kỷ lục trong 2 năm qua.
Nhìn chung, theo Rosstat, sản xuất nông nghiệp năm 2017 tăng 2,4%. Vào tháng Giêng năm nay, tăng trưởng đạt 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo thống kê hải quan, xuất khẩu lương thực và nông sản tăng 21,3% và đạt 20,7 tỷ USD, nhiều hơn xuất khẩu vũ khí, Tổng thống Putin cho biết.
Mặc dù đã đạt được những thành công như đã nêu ở trên thì Nga vẫn là nước nhập khẩu thực phẩm. Năm ngoái, nước này đã nhập khẩu 28,8 tỷ USD hàng tiêu dùng và nguyên liệu cho sản xuất thực phẩm.
Ông Putin trong thông điệp liên bang đã đặt mục tiêu đưa nước này thành nước thuần tuý xuất khẩu lương thực thực phẩm sau 4 năm nữa.
“Trong vòng 4 năm, chúng tôi dự định cung cấp nhiều sản phẩm nông nghiệp cho thị trường thế giới hơn là nhập khẩu”, Tổng thống Nga nói. Theo ông, cần tăng mức tự cung tự cấp về thịt bò, sữa và rau.
Để đạt được điều này, Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ cho ngành nông nghiệp, trong đó có các trang trại nhỏ.
Bộ Nông nghiệp Nga tin rằng nước này có thể giành lại được vị thế của một nước xuất khẩu ròng các sản phẩm nông nghiệp trong 2 năm tới và lấy lại được ngôi vị xuất khẩu lương thực vốn đã bị mất 65 năm trước. Và đến năm 2024, theo Bộ trưởng Nông nghiệp Tkachev, “chúng tôi đặt ra một mục tiêu đầy tham vọng là tăng giá trị xuất khẩu lên 50 tỷ USD”.
Để có được kết quả như trên, ngành nông nghiệp đã nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ ngân sách liên bang. Năm 2018, con số này là 242 tỷ ruble. Tháng 2 năm nay, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev hứa sẽ tiếp tục duy trì tất cả các biện pháp hỗ trợ cho ngành, bao gồm cả các khoản tín dụng ưu đãi.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng không nên quá lạc quan, bởi vẫn còn rất nhiều vấn đề. Việc sản lượng xuất khẩu của Nga và một số nước tăng dẫn đến sự sụt giảm giá ngũ cốc. Chính Tổng thống Putin cũng đã thừa nhận mặt trái của thành công này.
Theo FAO, chỉ số giá lương thực thế giới tháng 2 năm nay thấp hơn 2,7% so với năm ngoái , trong đó chỉ số giá ngũ cốc giảm 6,8%.
Để hỗ trợ các nhà sản xuất trong điều kiện giá sụt giảm, việc vận chuyển ngữ cốc từ một số địa phương vùng sâu vùng xa được hỗ trợ giảm giá đối với cước phí vận tải đường sắt. Trong buổi làm việc với các phó thủ tướng mới đây, Thủ tướng Medvedev đã thông báo năm 2017, Chính phủ đã trợ giá cho ngành đường sắt 1 tỷ ruble cho mục đích này và trong năm 2018 con số này sẽ là 2 tỷ ruble.
Ngoài sự sụt giảm giá bán ngũ cốc thì việc thiếu các cơ sở kho tàng hiện đại để lưu trữ ngũ cốc tại Nga cũng là một vấn đề không hề nhỏ. Khoảng 50% số kho tàng đang sử dụng là những cơ sở từ thời Liên Xô. Nếu vẫn tiếp tục duy trì tình trạng này thì giá xuất khẩu ngũ cốc sẽ còn giảm tiếp.
Theo các chuyên gia thì phải có những đầu tư đáng kể cho công tác này cũng như các cơ sở sản xuất nông nghiệp phải quen dần với đời sống thị trường để đến năm 2025 đạt được sản lượng 150 triệu tấn ngũ cốc và 50 triệu tấn xuất khẩu như Chính phủ đang kỳ vọng.
Thu An
Chính phủ Nga ngày 11/5 cho biết nước này đã thông qua một sắc lệnh nhằm phân bổ 3 tỷ rouble (tương đương 46,03 triệu USD) để nâng cấp các thiết bị phục vụ ngành nông nghiệp, đồng thời làm giảm gánh nặng tài chính cho người dân.
Thông tin từ chính phủ cho biết: “Sắc lệnh được ký kết đưa ra quyết định sẽ phân bổ ngân sách với số tiền 3 tỷ rouble từ quỹ dự trữ của Chính phủ Nga vào năm 2019 để tăng cường tỷ lệ đổi mới các thiết bị nông nghiệp và giảm gánh nặng về cho thuê tài chính đối với những thiết bị này.”
Báo cáo cho biết thêm với số tiền này, 374 thiết bị nông nghiệp tự vận hành mới, bao gồm 153 máy kéo và 221 máy gặt đập liên hợp, sẽ được thêm vào danh sách các thiết bị nông nghiệp có thể được cho thuê tài chính theo mùa vụ.
Theo Moskva, tổ hợp ngành công-nông nghiệp của Nga đã và đang tiến hành đổi mới các thiết bị nông nghiệp theo những chính sách ưu đãi khác nhau trong những năm gần đây.
Điều này tạo điều kiện để các nhà sản xuất nông nghiệp được tiếp cận với những thiết bị mới với tổng giá trị là 22 tỷ rouble (tương đương 337,6 triệu USD) trong giai đoạn 2012-2018.
Trước đó, tháng 5/2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một nghị định về lộ trình phát triển chiến lược của nước Nga, đặt ra các mục tiêu phát triển quốc gia trong một loạt các lĩnh vực đến năm 2024, bao gồm cải thiện hơn nữa tổ hợp các ngành công-nông nghiệp của đất nước./.