Giấc mơ nông nghiệp 4.0 đã thành hiện thực?
Công nghệ cao đang ngày càng hiện hữu trên nhiều cánh đồng, trang trại chăn nuôi của Việt Nam với sự vào cuộc quyết liệt của những tập đoàn hàng đầu và cả những doanh nghiệp khởi nghiệp quy mô nhỏ.
Cách đây một thời gian, nhiều đoạn clip về cánh đồng không nông dân tại Mỹ, trang trại tự thu hoạch tại Nhật Bản hay tự chăm sóc tại Israel đã khiến không ít người ngỡ ngàng trước sự phát triển vượt bậc của công nghệ trong nông nghiệp.
Không còn hình ảnh những người nông dân phải miệt mài dưới thời tiết khắc nghiệt hay cảnh bất lực nhìn đàn gia súc đột ngột chết vì bệnh dịch, thay vào đó, mọi giám sát được thực hiện và kiểm soát thông qua máy móc, dữ liệu dựa trên nền tảng cách mạng công nghiệp 4.0 như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật (Internet of things) hay blockchain.
Những hình ảnh đó không còn là ước mơ, là viễn cảnh khó chạm tay tới khi công nghệ 4.0 đang ngày càng hiện hữu trong nông nghiệp Việt Nam và ngày càng được đầu tư, ứng dụng nhiều bởi các doanh nghiệp.
Nhiều ông lớn vào cuộc
Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Minh Phú Seafood Corp) – doanh nghiệp tôm lớn nhất Việt Nam, nhà xuất khẩu tôm số 1 thế giới và top 50 doanh nghiệp thủy sản lớn nhất toàn cầu – gần đây đã cho thấy kế hoạch sử dụng hệ thống AI nhằm giảm số lượng lao động cũng như kiểm soát chất lượng.
Minh Phú Seafood hiện đang vận hành chuỗi giá trị tôm khép kín
Nếu mô hình này được triển khai thành công, số nhân công sẽ giảm đi đáng kể. Trước đây, để quản lý nước, tốc độ phát triển của tôm cũng như cho tôm ăn sẽ cần 2 người cho mỗi ao. Nếu áp dụng công nghệ, 50 ao sẽ chỉ cần tới 1 người, tương đương với mức giảm 99%.
Trong chia sẻ với Asian Nikkei Review gần đây, Minh Phú Seafood cho biết doanh nghiệp này muốn áp dụng hệ thống AI trên quy mô hầu hết ao nuôi đến năm 2019 và tới năm 2025, cắt giảm lực lượng quản lý cho ăn tới 70%. Số lượng nhân công giảm đi sẽ được luân chuyển sang các nhà máy chế biến hoặc những hoạt động khác.
Minh Phú Seafood hiện đang vận hành chuỗi giá trị tôm khép kín, từ nghiên cứu và phát triển, trại giống, thức ăn, vùng nuôi, chế biến, xuất khẩu và logistics.
Đầu năm nay, tập đoàn này công bố kế hoạch xây dưng Khu phức hợp nông nghiệp công nghệ cao phát triển chuỗi giá trị tôm quy mô 10.000ha tại tỉnh Kiên Giang. Ước tính khi hoàn thành, khu phức hợp này sẽ tạo ra khoảng 12 tỷ con tôm giống, 300 ngàn tấn thức ăn, 250 ngàn tấn tôm thương phẩm, tương ứng với 200 ngàn tấn tôm thành phẩm và 50 ngàn tấn phụ phẩm với giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD.
Khu phức hợp này còn được tích hợp và ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong vận hành và quản lý như tự động hóa, robot hóa, AI giúp hạn chế tác động từ biến đổi khí hậu cũng như giải quyết vấn đề lao động.
Minh Phú Seafood hiện đang xuất khẩu tới hơn 50 quốc gia và khu vực khác nhau, đạt doanh thu khoảng 12 nghìn tỷ đồng năm 2017. Theo báo cáo tài chính quý II năm nay, doanh nghiệp này đạt gần 238 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Cuối tháng 3 vừa qua, Vinamilk khánh thành trang trại số 1 thuộc Tổ hợp trang trại bò sữa công nghệ cao Vinamilk Thanh Hóa với quy hoạch là tổ hợp trang trại bò sữa công nghệ cao áp dụng các quy trình và công nghệ hiện đại nhất của thế giới.
Robot dọn cỏ Lely Juno tại trang trại của Vinamilk
Trang trại bò sữa số 1 với quy mô 4.000 con, diện tích xây dựng 40ha và vốn đầu tư 700 tỷ đồng là trang trại đầu tiên chính thức đi vào hoạt động trong tổ hợp 5 trang trại bò sữa công nghệ cao Vinamilk Thanh Hóa. Tổng diện tích canh tác cả tổ hợp trang trại là 2.500ha, trong đó diện tích xây dựng trung tâm các trang trại chăn nuôi bò sữa là hơn 200ha.
Mỗi cá thể bò/bê sẽ được kết nối thẻ chíp điện tử với hệ thống giám sát trung tâm thông qua công nghệ quản lý đàn. Bên cạnh đó, bò sẽ liên tục được giám sát và cập nhật thời gian ăn, khẩu phần ăn được tính toán dựa trên tỷ lệ, hệ thống cho bê uống sữa tự động.
Bên cạnh đó, hệ thống robot đẩy thức ăn tự động cho bò cũng được Vinamilk áp dụng, có khả năng tự sạc năng lượng để vận hành và tự di chuyển qua lại giữa các khu chuồng trại để “chăm lo” nguồn thức ăn cho đàn bò ngay cả trong thời tiết mưa gió.
Không chỉ vậy, đầu tháng 8 vừa qua Vinamilk tiếp tục phát triển tổ hợp các trang trại chăn nuôi bò sữa hiệu quả cao tại Cần Thơ với tổng quy mô lên đến 22.000 con, vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng trên diện tích hơn 6.000 ha.
Nông nghiệp công nghệ cao có thể được đánh giá là lĩnh vực nhiều tiềm năng, còn nhiều “đất diễn” và đầy sức hút khi Vingroup xuất hiện.
Cuối tháng 3/2015, Vingroup chính thức công bố gia nhập lĩnh vực nông nghiệp với thương hiệu VinEco có tổng số vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng. VinEco sau đó đã tiến hành ký kết với 3 đối tác hàng đầu thế giới đến từ Nhật Bản và Isreal về cung ứng công nghệ cao cho sản xuất nông nghiệp với tổng trị giá hơn 1.000 tỷ đồng.
Theo đó, VinEco sẽ được cung cấp công nghệ nhà kính – nhà lưới, hệ thống tưới tiệu tự động, hệ thống cung cấp dinh dưỡng chủ động cho cây trồng cũng như công nghệ cơ giới hóa và tự động hóa trên cánh đồng mẫu lớn.
Những cánh đồng rau hoàn toàn tự động của VinEco
Nếu một lần được đặt chân tới hệ thống nhà kính VinEco Tam Đảo, công nghệ tại đây sẽ khiến nhiều người phải sững sờ. Toàn bộ các giai đoạn từ trộn giá thể, rập lỗ, tra hạt, phủ hạt, tưới ẩm… đều được thực hiện bằng máy để đảm bảo độ sạch 100%; hạt mầm được chăm sóc bằng hệ thống tưới tự động và phun sương để giữ ẩm, điều khiển khí hậu, giúp năng suất cao, ổn định và chất lượng đồng đều.
Hấp dẫn cả những doanh nghiệp khởi nghiệp
Không chỉ là mảnh đất của những “ông lớn”, nông nghiệp công nghệ cao còn hấp dẫn cả những doanh nghiệp khởi nghiệp (startup).
AgriMedia dựa trên ứng dụng công nghệ để cung cấp giải pháp về thời tiết và nông nghiệp, giúp góp phần giảm thiểu rủi ro, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu tới nông nghiệp.
Doanh nghiệp này cung cấp một số giải pháp tổng thể cho sản xuất nông nghiệp dựa trên các điều kiện thời tiết chính xác bao gồm giám sát các thông số thời tiết đã qua, kết hợp với dự báo thời tiết sắp tới nhằm cảnh báo các thiên tai liên quan thời tiết, cảnh báo sâu bệnh và tối ưu lịch nông vụ.
Năm ngoái, AgriMedia đã bắt tay với VNPT và Vinaphone mở tổng đài hỗ trợ tư vấn cho bà con nông dân cũng như cùng với VinaPhone và MobiFone cung cấp dịch vụ thông tin nông nghiệp thông qua điện thoại dưới dạng tin nhắn văn bản, không cần tới điện thoại thông minh hay máy tính.
Chia sẻ ý kiến với TheLEADER về cách mạng công nghiệp 4.0 nói chung và blockchain nói riêng, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ quốc gia cho rằng, điều quan trọng là nâng cao hiểu biết và nhận thức của người dân bởi “nếu một sản phẩm công nghệ hiện đại đến mấy mà người ta không hiểu, không biết, không dùng thì sản phẩm đó sẽ trở nên vô nghĩa”.
Bên cạnh đó, theo ông Lực, cần sớm tạo ra khuôn khổ pháp lý và hệ sinh thái để người dân, doanh nghiệp và Chính phủ tăng cường ứng dụng.