GIẢI PHÁP CHO NÔNG NGHIỆP XANH VIỆT NAM – CƠ HỘI TUYỆT VỜI CHO CÔNG NGHỆ – DỊCH VỤ
Tham luận của Bà Vũ Kim Hạnh
Chủ tịch Hội Hàng Việt Nam Chát Lượng Cao – CEO BSA.
Trình bày tại Hội nghị Reinventing Business Marketing 2018 for Agriculture_Service 4.0
Sau mấy năm theo đuổi nhiều chương trình hoạt động của BSA tự tổ chức liên quan nông nghiệp như: đưa hàng Việt về nông thôn, hợp tác với mạng lưới 4 tỉnh ABCD Mekong, nông nghiệp xanh-thực phẩm an toàn, khởi nghiệp của thanh niên nông thôn cả nước, khuyến khích đặc sản chỉ dẫn địa lý và OCOP…tôi hiểu các vấn nạn đầy khó khăn của nông nghiệp VN.
MỘT CÔNG THỨC THỬ ĐỀ NGHỊ CHO NÔNG NGHIỆP VN
Gần đây, tháng 8, BSA có một cuộc khảo sát 70 hợp tác xả và cá thể nông dân về tiêu chuẩn. Tham khảo nhiều báo cáo của Bộ Nông nghiệp và các nghiên cứu độc lập của WB, IFC, CIEM…tôi tạm đưa ra giải pháp chung cho phát triển nông nghiệp VN bằng “công thức” sau:
- CHUẨN CHẤT + (2) GIÁ TRỊ GIA TĂNG + (3) CÔNG NGHỆ + (4) THƯƠNG MẠI HÓA NÔNG SẢN.
Trong thương mại hóa lại bao hàm 4 yếu tố: nắm thông tin và xu hướng thị trường – xây dựng thương hiệu – không ngừng phát triển sản phẩm – tổ chức mua bán sản phẩm hiệu quả.
Và ở mỗi giải pháp, để thực sự giải quyết được, thì thực tế cho thấy, chỉ có thể giải quyết có kết quả, hướng tới sự bền vững khi có can thiệp hay hỗ trợ của công nghệ mới, dưới hình thức dịch vụ hỗ trợ nông dân và nông nghiệp.
(1)Chuẩn chất. Chuẩn chất đây là cách nói gọn của tiêu chuẩn và chất lượng.
Tiêu chuẩn còn xa lạ với nông dân. Chỉ 20% nông dân, kể cả HTX lấy được chứng nhận Vietgap, tiêu chuẩn tuy cũng tham khảo chặt chẽ Globalg.a.p nhưng trong thực tế chưa có uy tín đầy đủ với người tiêu dùng (NTD) trong nước, càng chưa thể đi ra thế giới. Với tiêu chuẩn, nông dân còn nặng tính đối phó. Còn về chất lượng sản phẩm, ngoài yêu cầu như thủ tục đầu tiên là tiêu chuẩn còn cần tới công ngệ để giúp họ có giống (cây, con) tốt, giảm dùng phân thuốc hóa chất, điều khiển được nước tưới bắng mobile, ghi chép nhật ký theo thời gian thực ,thu hoạch và bảo quản đúng cách với công nghệ tiên tiến phù hợp…nghĩa là canh tác, sản xuất giờ có thể và cần ứng dụng nhiều công nghệ mới, từ đơn giản với chiếc mobile cho tới phức tạp hơn cần được hướng dẫn và luôn giám sát. Với các trang trại thì đã có những điển hình hoàn toàn điều khiển canh tác bằng công nghệ 4.0 như CT mía đường Lam Sơn hay nhiều phần trong canh tác tại các trang trại của Vineco, Vinamit…
(2)Giá trị gia tăng là các phương thức chế biến nông sản. Nền nông nghiệp của chúng ta trong nhiều năm qua, hầu như là kinh tế gia công. 70% nông sản xuất đường tiểu ngạch qua Trung Quốc, khối lượng lớn, chất lượng dễ dãi, không đều nên giá trị thấp và bấp bênh. 10 năm trước Mutrap đã tài trợ một nghiên cứu công phu (tôi còn lưu giữa bản kết quả nghiên cứu này, sẵn sàng cung cấp cho ai cần) mà ông Trương Đình Tuyển chủ trì nhóm nghiên cứu toàn người có uy tín, đưa ra đề nghị giảm dần tiểu ngạch, chuyển các ngành có số lượng XK qua TQ lớn sang chính ngạch nhưng các tỉnh bên giới không đồng tình và chính phủ cũng bỏ qua. Kéo dài tới bây giờ, tôi cho là thời khắc đã là hiểm nghèo vì ta chẳng có chuẩn bị gì đáng kể cho nông dân, còn TQ thì đã bắt đầu đòi hỏi tiêu chuẩn và cũng đã tự trồng với khối lượng lớn các loại trước đây họ nhập từ ta: thanh long, vải…
Chế biến nông sản là một hoạt động tổng hợp của: am hiểu thị trường, có công nghệ tốt, có đầu tư đúng mức, đó là những thứ ta không mạnh mà cũng chẳng tập trung đầu tư. Theo dõi đầu tư của các nước, nhất là Thái, Trung quốc, Đài Loan với các loại nông sản tương đồng, ta thấy thật đáng lo.
(3)Công nghệ. Bao trùm trong các lãnh vực của chuỗi giá trị từ giống (đầu vào)đến thành phẩm cuối cùng bán cho NTD. Giờ với tiến bộ của công nghệ, có thể thấy các ứng dụng thật mênh mông và đáng mừng cho nông nghiệp VN.
Data, IoT, AI đều đang ứng dụng tốt trong từng công đoạn chuỗi giá trị nông nghiệp, ngay cả đếm cá dưới ao để thu hoạch đúng loại cần xuất khẩu, hay đếm lợi khuẩn đưa vào thực phẩm sao cho đúng yêu cầu và giữ được bí mật với đối thủ cạnh tranh tinh quái như Thái Lan. Công nghệ cũng cần nghĩ rộng: công nghệ nhiều loại trực tiếp sử dụng trong canh tác, công nghệ sinh học trong chế biến nông sản hay chiết xuất tinh dầu trong dược liệu miền núi Tây Bắc. Nghiên cứu tình hình sử dụng công nghệ trong nông nghiệp hiện nay, thấy giá còn đắt so khả năng nông dân và còn thiếu nhân sự hướng dẫn, giám sát…
(4)Thương mại hóa (TMH). Với yếu tố thứ 1 trong 4 yếu tố của TMH, đây là điểm khó mà chuyên gia, nhà khoa học phải gắn với doanh nghiệp để cùng nhau truyền đạt cho nông dân. Cách làm của Israel là hiệu quả: lập những bizlab. Thế giới các nền kinh tế phát triển vẫn coi trọng hình thức : HỘi chợ quốc tế chuyên ngành để thu thập thông tin về xu hướng, tiếp cận sản phẩm mới với tất cả đặc điểm cần thiết (nguyên lệu, cách xử lý, tính năng, bao bì, qui cách…) bên cạnh chức năng truyền thống là cơ hội bán mua. Ở ta, không ít chuyến đi Hội chợ QT được nhà nước trợ cấp đã bị biến tướng thành những chuyến đi du lịch miễn phí, thi hành chính sách(cho viên chức sắp về hưu) hay để giải ngân chia chác. Dù vậy, Hội chợ quốc tế vẫn là túi khô không bào giờ cũ.
Vấn đề phát triển sản phẩm thì các nước Asean có các dự án nghiên cứu khủng, qui tụ nhiều nguồn lực, nhìn thấy cũng…bắt thèm cho nông dân và DN mình. Còn chuyện mua bán quốc tế thì mình quá chậm chân, mối mang không có nên cần có sách lược triệt để tận dụng nhiều nguồn lực, trong khi nguồn lực chính qui nhất là hệ thống tham tán thương mại khắp thế giới chưa phát huy đúng như chức năng và yêu cầu.
NHỮNG HƯỚNG ĐI CỤ THỂ VÀ NHỮNG CÂU CHUYỆN TÍCH CỰC
Vậy giải pháp cho nông nghiệp đang có tín hiệu gì tích cực? Trong tình hình có vẻ đầy dẫy khó khăn, có một số tín hiệu vui.
Cần lien kết thành chuỗi để thực hiện canh tác với công nghệ mới. Sự xuất hiện những chuỗi liên kết từ A tới Z trong trồng trọt, chăn nuôi đang đem lại kết quả rất tốt và đó là những minh chứng về những mô hình liên kết hợp lý , nhưng lại có đặc điểm mới, là cần phải có thủ lĩnh cũng là nhà đầu tư say mê nông nghiệp, có tay nghề quản trị, kỹ thuật…thì chuỗi lien kết mới sống vững. Đó là trường hợp tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ đầu tư công nghệ 4.0 cho làm lúa thông minh, doanh nông Nguyễn Lâm Viên với công nghệ sinh học chế biến thực phẩm từ nguyên liệu bản địa là các trái cây, rau củ VN, anh Út Huy ở Long An với 200 ha chuối và nhiều ha nuỗi tôm, trồng bưởi…
Liên tục tìm tòi trong thực tế để đưa ra sáng kiến. Ví dụ sáng kiến đang được nông dân chờ đợi là tạo ra một tiêu chuẩn mới: Localg.a.p., là tiêu chuẩn trung gian giữa Vietg.a.p với Globalg.a.p để làm cầu nối đưa nông dân đi những bước đầu tiên ra thị trường thế giới bằng chính ngạch. Globalg.a.p (GG) là tiêu chuẩn thông dụng nhất của quốc tế do một tổ chức tư nhân là chủ sở hữu, qui tụ hầu hết nhà kinh doanh nông sản châu Âu ở tất cả các khâu trên chuỗi giá trị nông sản (ra đời năm 1998), đến nay GG đã được hơn 100 nước công nhận và được áp dụng rộng rãi khắp thế giới. Nhưng nay chính các nhà sáng lập GG cũng thấy là : thời gian để đạt chứng nhận khá dài, chi phí cao, chi phí tái kiểm định hàng năm cũng cao thì nông dân các nước đang phát triển có nguy cơ không làm chứng nhận nổi, và bị bỏ lại đằng sau. Hội doanh nghiệp Hàng VN Chất lượng cao, sau hai năm xây dựng Bộ tiêu chí “HVNCLC-Chuẩn hội nhập” đã tiếp cậ Globalg.a.p và đề nghị với họ cùng xây dựng một tiêu chuẩn trung gian giữa Vietgap và GG là LOCALG.A.P. nhằm giúp cho nông dân Việt Nam bắt đầu bước vào thị trường thế giới dễ hơn, rồi sau vài năm, khi đã chuẩn bị đủ điều kiện thì làm chứng nhận GG. Localg.a.p là nhịp cầu nối tiêu chuẩn Việt Nam (VietGap) với tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt thông dụng của thế giới Globalg.a.p. Nội dung các điều khoản, yêu cầu sẽ được hai bên cùng xây dựng; việc tư vấn, huấn luyện, đánh giá sẽ do Hội DN.HVNCLC, GG sẽ cùng một nhà đánh giá chứng nhận quốc tế cùng hợp tác giúp cho nông dân Việt đạt chứng nhận. Sau khi được chứng nhận, nhà sản xuất được cấp một mã số (GLN) xuất hiện trên trang web chính thức của GG để các nhà mua hàng, bán lẻ thế giới có thể truy cập, kiểm tra tính xác thực và tình hình thực hiện tiêu chuẩn của nhà sản xuất Việt. Việc ký thỏa thuận hợp tác cơ bản giữa Hội với GG đã xong 5 tháng qua, nay việc xây dựng nội dung bộ tiêu chí đang hoàn thiện để bắt đầu thực hiện từ năm 2019.
Cuối bài, tôi xin giới thiệu 3 câu chuyên tiêu biểu cho việc ứng dụng công nghệ vào 4 giải pháp kết thành chuỗi mà tôi đã trình bày ở trên.
Câu chuyện thứ nhất là về anh Võ Quan Huy, nổi tiếng là vua chuối xuất khẩu. Anh có 200 ha trồng chuối xuất khẩu sang Nhật với thương hiệu FOHLA. Mà anh ấy chỉ có tiêu chuẩn Vietgap chứ chưa có tiêu chuẩn quốc tế nào hết. Khi khách hàng Nhật (vốn đã làm ăn và tin cậy sản phẩm khác của anh, tôm, bưởi…) đặt vấn đề mua chuối của anh, họ đưa ra 200 chỉ tiêu để anh cân nhắc xem đáp ứng được không. Suy nghĩ kỹ, anh trả lời, được. Và anh nhấn mạnh: nông dân Nam Bộ nói được làm được, tiêu chuẩn là thứ mình tự nguyện nhận làm, vậy thì phải tự nguyện tuân thủ, phải làm ăn minh bạch, có trách nhiệm. Công nghệ đảm bảo việc tự chế phân bón theo yêu cầu của khách được anh tiến hành rất nề nếp và việc mà khách tin tưởng nhất là “công nghệ ghi nhật ký”, phản ánh hoạt động hàng ngày rất đầy đủ, trung thực. Việc ghi nhật ký canh tác theo anh là còn cực hơn chính việc canh tác nhưng “mình cần khách thì mình phải làm cho bằng được”. Khách phàn nàn một đợt chuối bị đen cuống, trầy xước vỏ là anh bay qua Nhật ngay để tận mắt xem mấy “đứa con” anh bị lỗi chỗ nào rồi về ngay, đưa giải pháp với hạn cuối khắc phục rõ ràng. Họ tin anh vì tiêu chuẩn “thực” của anh là: làm ăn có kỷ luật, có trách nhiệm. Đó chính là bảo chứng cho niềm tin của khách hàng. Tiêu chuẩn là dấu ấn cụ thể để giao tiếp, thể hiện tính cam kết, còn nội dung, gốc gác của niềm tin chính là tính kỷ luật và tinh thần trách nhiệm với những gì mình hứa với khách hàng.
Câu chuyện thứ hai là của doanh nông Nguyễn Lâm Viên. Say mê sinh học và đam mê phục vụ sức khỏe con người bằng các sản phẩm chính cty mình trồng được, anh Nguyễn Lâm Viên nghiên cứu vi khuẩn, sinh học và đưa ra nông pháp hữu cơ . Theo anh Viên, vi khuẩn sống đường ruột đóng vai trò thiết yếu với sức khỏe của chúng ta , Nhung hiểu biết của chúng ta về chúng đa phần còn hạn chế . Đó là hệ thống miễn dịch lớn nhất trong cơ thể con người. Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc xác định minh đang khỏe mạnh hay đang bệnh tật.
Với công nghệ tiên tiến “sấy đông khô” trái cây hay lên men kết hợp sấy đông khô (ya ua sấy đông khô) sản phẩm YoV này đã bay ra thị trường thế giới, hóa giải hàng rào kỹ thuật mà các nước đang đặt ra cho sữa và sữa chua VN. Nước mía hữu cơ cũng bay xa và đầu tháng 11, Vinamit Organic đã mở cty Vinamit USA để xây dựng tổng kho, quản trị và phát triển thị trường Bắc Mỹ và Canada. Lớp trẻ là các con anh Nguyễn Lâm Viên đang đưa tài nguyên sinh học Việt cùa trái cây VN chinh phục thị trường thế giới.
Theo anh, DN Việt cần phải đi nhiều hơn, học va sáng tạo nhiều hơn để từ bỏ cách làm ăn cạnh tranh thiếu lanh mạnh , làm giả, lam nhái khi thấy có sản phẩm nào đó bán chạy để rồi cùng kéo nhau xuống.
Còn theo “tiến sĩ nông dân” Nguyễn Thanh Mỹ, trong thực tế người nông dân gặp rất nhiều khó khăn khi làm lúa theo tiêu chuẩn an toàn. Và canh tác lúa thông minh là giải pháp giúp bà con nông dân sản xuất lúa theo các tiêu chuẩn an toàn hay ngay cả hữu cơ. Ông sử dụng công nghệ để sửa những cái sai của nông dân hiện nay từ giống lúa, vật tư đầu vào, canh tác, thu gom, xay xát, tiêu thụ. Tới nay, tập đoàn Rynan đang sản xuất phân bón thông minh ở Trà Vinh, phân bón nuôi dưỡng được đất đai, thay quy trình canh tác là vùi phân thay vì rãi phân, sạ lúa thay vì cấy, phun vi sinh ba trong một, hay chế tạo hệ thống máy móc cơ khí để sạ lúa thích hợp với địa hình, xây dựng những hệ thống cảm ứng nước thông minh để đo độ mặn, và chế tạo hệ thống bơm thông minh có thể điều khiển bằng điện thoại di động…Chuỗi lien kết này của anh đang thành công và hiện nay nông dân đi theo ngày một đông hơn.
Xin kết thúc bài tham luận của tôi bằng ba câu chuyện có thật đang phát triển tích cực sinh động. Họ đều là “người quen” của chúng ta và họ thực sự muốn đóng góp mô hình thựa của mình vào tiến bộ của nông nghiệp giai đoạn hội nhập này. Họ và nhiều nhà doanh nông tên cả nước đang thành công với những chuỗi lien kết cùng nông dân, đang mở ra cho nông nghiệp những hướng đi thiết thực và đầy triển vọng.