Toàn văn phát biểu khai mạc Festival lúa gạo quốc tế 2023 của Bộ trưởng Lê Minh Hoan
Festival Quốc tế ngành hàng Lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 xin chào đón quý vị đại biểu, khách dự, với tất cả tình cảm của người trồng lúa, gói ghém trong cây lúa, hạt gạo...
“Bạn ăn cơm chưa!”
Xin gửi đến quý lãnh đạo, đại biểu, khách dự, cùng toàn thể bà con nhân dân đang tham dự trực tiếp, đang theo dõi qua truyền hình, lời thăm hỏi chân tình mà người Việt Nam vẫn dành cho nhau mỗi ngày. Không chỉ là câu hỏi, không chỉ là lời mời, “Bạn ăn cơm chưa!”, đối với người Việt, luôn là lời chào hỏi đậm chất văn hóa gắn bó thiết thân. Tự bao giờ, cây lúa, hạt gạo, bữa cơm đã đi vào lời ăn, tiếng nói, hòa quyện vào đời sống văn hóa, tinh thần trên đất nước mang hình chữ S có nền văn minh lúa nước, như biểu tượng của sự quan tâm, chia sẻ, gắn kết gia đình, bạn bè gần xa.
Festival Quốc tế ngành hàng Lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang 2023 xin chào đón quý vị đại biểu, khách dự, với tất cả tình cảm của người trồng lúa, gói ghém trong cây lúa, hạt gạo, với tấm lòng hào sảng, mến khách của vùng đất, con người trao gửi trong mỗi bữa cơm ngon lành, vui vẻ…
Nhiều thập niên về trước, “chạy gạo từng bữa” từng là nỗi lo toan thường nhật. Giờ đây, “cây lúa hôm nay” mở ra “đường lớn”: đưa Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu hàng đầu về sản lượng, và cả chất lượng. Gạo Việt Nam được vinh danh trong nhóm gạo ngon nhất thế giới. Thành tựu này ghi nhận sự đóng góp miệt mài, cần mẫn của bao người gắn bó với cây lúa quê hương, từ người nông dân, hợp tác xã trực tiếp sản xuất, các chuyên gia, nhà khoa học, các thương lái xuôi ngược khắp nơi đến cộng đồng doanh nghiệp…, cùng hàng loạt cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, đã đánh thức tiềm lực của ngành hàng lúa gạo.
Hiện nay, trước những thách thức của biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng, chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo cần có những thích ứng linh hoạt để trở nên chuyên nghiệp và bền vững. Không chỉ tạo ra các sản phẩm chất lượng cao mà còn góp phần kiến tạo nên một hệ sinh thái ổn định, an lành.
Chúng tôi hiểu rằng, quyền lợi và trách nhiệm của người trồng lúa Việt Nam luôn gắn bó mật thiết và là một phần không thể tách rời với chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo toàn cầu. Đổi mới sáng tạo, ứng dụng các giải pháp khoa học kĩ thuật phù hợp, đồng bộ dựa trên việc tiếp nối những kinh nghiệm tri thức bản địa, với tinh thần gìn giữ môi trường, tôn trọng thiên nhiên, là cách thức mà đội ngũ nông dân chuyên nghiệp tại Việt Nam đã và đang thực hiện, để hướng tới những cánh đồng “phát thải thấp”. Nơi mà ở đó, con nước xuống lên, độ phì của đất, được thấu hiểu và trân trọng. Nơi mà ở đó, giá trị truyền thống “thuận tự nhiên” tiếp tục được gìn giữ và tiếp nối. Nơi mà ở đó, mỗi vuông lúa nhỏ cũng được kết nối đến thị trường, bằng giải pháp định vị, truy xuất nguồn gốc tiên tiến. Nơi mà ở đó, thịnh vượng khởi đầu từ người trồng lúa!
Đất Mẹ hào sảng hòa với tâm sức của con người, gieo trồng mầm xanh, tạo nên mùa vàng bội thu. Xây dựng một nền sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm với con người và môi trường, góp phần tích cực vào ổn định an ninh lương thực thế giới luôn là mục tiêu chiến lược, là sự cam kết của ngành hàng lúa gạo Việt Nam trong thời kì hội nhập.
Có câu nói vui với nhau: “Thương hiệu là cái hiệu mà người ta thương!”. Tôi có niềm tin vững chắc rằng, tình cảm dành cho lúa gạo Việt Nam đến từ định vị thương hiệu:
– Vì người trồng lúa.
– Vì người tiêu dùng.
– Vì môi trường xanh.
Xin chào mừng quý lãnh đạo, khách dự, cùng bà con nhân dân, đến với Festival Quốc tế ngành hàng Lúa gạo Việt Nam 2023, đến với Hậu Giang – “điểm hẹn bảy ngã sông”, điểm hẹn của tinh thần giao thương, hội nhập và mến khách.
“Hạt gạo Việt Nam – Hạt gạo tình thân” luôn là khẩu phần thân thuộc trong từng bữa cơm, từng bữa ăn ngon lành, vui vẻ của người người, nhà nhà khắp mọi nơi trên thế giới.
Xin cám ơn và trân trọng kính chào!
Nguồn: Báo Nông Nghiệp Việt Nam