Ngành nông nghiệp tiếp tục thể hiện vai trò trụ đỡ của nền kinh tế khi tốc độ tăng trưởng quý III đạt 2,74% và đóng góp 23,52% vào tốc độ tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.
Tại buổi họp báo thường kỳ quý III của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tổ chức ngày 5/10, ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NNPTNT) cho biết kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 9 tháng đầu năm ước đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước.
Thống kê cũng chỉ ra nhóm nông sản chính tăng trưởng tích cực về giá trị xuất khẩu (tăng 14,4% so với cùng kỳ 2020). Tương tự, lâm sản tăng 31,6%; thủy sản đạt gần 6,2 tỷ USD, tăng 2,4%; chăn nuôi ước đạt 345 triệu USD, tăng 17,5%; nhóm đầu vào sản xuất khoảng 1,3 tỷ USD, tăng 31,6%.
Cũng trong 9 tháng qua, trị giá xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tới Mỹ đạt trên 10,2 tỷ USD (chiếm 28,6% thị phần); tiếp sau đó là thị trường Trung Quốc đạt gần 6,8 tỷ USD (chiếm 19,1% thị phần); thứ ba là Nhật Bản đạt trên 2,4 tỷ USD (chiếm 6,8%); Hàn Quốc đứng thứ tư với trị giá xuất khẩu đạt khoảng 1,6 tỷ USD (chiếm 4,3%).
Dự kiến tính chung cả năm 2021, xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản có thể đạt 44 tỷ USD.
tỷ USD4 THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU CHÍNH CỦA NGÀNH NÔNGNGHIỆP VIỆT NAMThị trườngMỹTrung QuốcNhật BảnHàn Quốc024681012
Tuy giá trị xuất khẩu của 9 tháng tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm 2020, theo ông Nguyễn Văn Việt, xuất siêu chỉ đạt 3,3 tỷ USD, giảm 55% so với giá trị xuất siêu 7,5 tỷ USD của 9 tháng đầu năm 2020.
Tăng trưởng của ngành nông nghiệp cũng đứng trước nhiều rủi ro trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
“Trong quý IV, tăng trưởng của ngành sẽ dựa vào chăn nuôi và thủy sản nhiều, nhưng hiện hai ngành này đang rất khó khăn. Giá bán ra sản phẩm thấp trong khi nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là thức ăn chăn nuôi, thủy sản vẫn ở mức cao”, ông Việt nói.
Tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho rằng giá trị xuất khẩu toàn ngành có thể đạt kế hoạch đề ra là 44 tỷ USD, nhưng “đây mới chỉ là con số tính toán sơ bộ. Vẫn còn nhiều khó khăn mà ngành phải đối diện như việc hạn chế nguồn nguyên liệu, ảnh hưởng của diễn biến dịch bệnh vẫn còn rất nặng nề”.
Đứng trước thực tế này, Bộ NNPTNT đã ban hành kế hoạch hành động theo bốn nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất, tập trung chỉ đạo sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện thời tiết, diễn biến dịch Covid-19 tại từng tỉnh, thành phố từ nay đến cuối năm.
Thứ hai, đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Trong đó tăng cường kết nối, phối hợp với các đơn vị viễn thông để hỗ trợ chuyển đổi số trong nông nghiệp và thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản, tăng cường giao dịch điện tử…
Thứ ba, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng tập trung giải quyết khó khăn về kỹ thuật, thuận lợi hóa thông quan, hạ tầng logistics song song với các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế, thúc đẩy xuất khẩu; mở cửa thị trường, hỗ trợ thông tin doanh nghiệp xuất khẩu nông sản về các hiệp định thương mại.
Thứ tư, tăng cường các giải pháp phòng, chống thiên tai hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất cho kinh tế, sản xuất, đời sống người dân.