Giàu từ nông nghiệp trên nền tảng số hóa

“Nông nghiệp số Việt Nam quyết tâm! Nông dân sung túc! Doanh nghiệp trường tồn! Đất nước phồn vinh”.

Nhìn từ góc độ công nghệ, sự “tinh vi trong nông nghiệp” là làm sao tạo ra những ứng dụng tối ưu hóa, làm sao để tạo ra chất lượng tốt nhất chứ số lượng hiện nay không còn là mục tiêu tối thượng.
Đó là quan điểm được ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, Chủ tịch Công ty Cổ phần FPT chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Thưa ông, năm 2016, ông có đưa ra khái niệm “Nông nghiệp số”. Và rồi, 3 năm sau, ông cùng nhiều doanh nghiệp thành lập Hiệp hội Nông nghiệp số. Vậy, có thể hiểu khái niệm Nông nghiệp số như thế nào?

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra một “áp lực” ứng dụng công nghệ mới trong tất cả các ngành kinh tế và nông nghiệp cũng là một trong những ngành chịu tác động mạnh mẽ ở hầu hết các công đoạn sản xuất.

Năm 2016, thuật ngữ này bắt đầu được giới công nghệ phổ biến ở Việt Nam, tuy nhiên, trên thế giới, việc ứng dụng khoa học công nghệ (số hóa) rất sớm đã mang lại hiệu suất rất ấn tượng và dường như bên cạnh ngành tài chính, chế tạo thì nông nghiệp lại là ngành đi nhanh nhất, hiệu quả rõ rệt nhất, nhiều giải pháp trong phát triển nhất.

Nếu quan sát kỹ thì việc ứng dựng công nghệ hiện đại để sản xuất nông nghiệp thực tế lại là giải pháp bắt buộc trong bối cảnh thiếu hụt nguồn nhân lực, yêu cầu từ thị trường với năng lực sản xuất quy mô lớn, và với Việt Nam – một quốc gia có tới gần 40% dân số thuộc độ tuổi lao động lao động thì ứng dụng công nghệ số lại là giải pháp tối ưu để phát triển nông nghiệp, đặc biệt trong xu thế chuyển đối số mạnh mẽ như hiện nay.

Với tôi, Nông nghiệp số không còn là khái niệm, mà nó chính là trách nhiệm, là mục tiêu, là giải pháp để thúc đẩy ngành nông nghiệp Việt Nam và lấy cảm hứng từ lịch sử lâu đời của ông cha ta để lại.

Trước đây và đến nay, ông luôn kêu gọi các doanh nhân trẻ khởi nghiệp bằng cách đầu tư vào nông nghiệp? Là một “ông trùm” về công nghệ, ông bắt đầu quan tâm tới nông nghiệp từ bao giờ và vì sao ông lại quan tâm tới lĩnh vực mà rất nhiều người e dè khi đầu tư?

Nhìn từ góc độ cơ hội của người trẻ, với nền tảng công nghệ và năng lực sáng tạo, các bạn sẽ thấy giờ đây vị trí “ông trùm” của mình không còn tồn tại, mà ở đó là những doanh nghiệp do các bạn trẻ khởi nghiệp thành công. Xét về góc độ thời gian, lứa tuổi như mình mất 20 năm để tìm thấy thành công thì thế hệ bây giờ chỉ mất có vài năm, vài tháng thậm chí vài tuần để đạt tới hiệu quả nhất định.

Ngoài ra, như chúng ta thấy, nông nghiệp vẫn luôn là nền tảng vững chãi của nền sản xuất, dư địa phát triển, cơ hội để sáng tạo thì không hạn chế, thị trường thì rộng lớn và phải khẳng định nếu chúng ta tìm hiểu đầy đủ về nhu cầu thị trường, công nghệ phù hợp… thì cơ hội thành công khi bắt đầu bằng nông nghiệp là an toàn và khả năng thành công cao.

Rõ ràng, đến nay không chỉ các doanh nhân trẻ khởi nghiệp từ nông nghiệp mà có nhiều “đại gia” đầu tư vào lĩnh vực được cho là khá rủi ro. Ông đánh giá gì về xu hướng này? Để việc đầu tư bền vững, hiệu quả thực thụ chứ không phải coi đó như một kênh “nhân đạo” thì những ông lớn đó phải làm gì?

Hơn ai hết họ đều nhìn thấy cơ hội nếu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp khi thị trường ngày càng mở rộng, nhu cầu hàng hóa chất lượng cao đi theo tỷ lệ thuận với tăng trưởng kinh tế, áp lực sản xuất quy mô lớn và hàng loạt như hiện nay thì chỉ có những tập đoàn kinh tế lớn mới đáp ứng được, như vậy chúng ta sẽ thấy cơ hội rất lớn và rõ ràng,

Vườn cây trồng trong nhà kính tại Lâm Đồng cho chất lượng cao, sạch.
Khi quan tâm tới nông nghiệp, ngoài những tiềm năng, rõ ràng nông nghiệp Việt Nam còn nhiều điểm yếu, cản trở quá trình phát triển. Theo ông đó là gì, và phải giải quyết điều này như thế nào?

Số hóa nông nghiệp gắn liền với việc hiện đại hóa tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Bởi vậy, để đảm bảo tính khả thi, đồng bộ thì nó đòi hỏi phải có đủ quy mô về vốn và mặt bằng. Vấn đề này hiện nay chỉ các tập đoàn lớn có thể giải quyết được. Cũng giống như tình trạng của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp nông nghiệp phần lớn có quy mô nhỏ và siêu nhỏ.

 Chính phủ có Nghị quyết số 30 năm 2017 về gói tín dụng 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động của các ngân hàng thương mại để cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch với lãi suất phù hợp, thấp hơn từ 0,5 – 1,5% so với lãi suất thị trường.

Tuy nhiên, cần có chính sách để huy động từ các nguồn vốn đầu tư khác từ các quỹ đầu tư, tổ chức, cá nhân cũng như xác lập quyền tài sản trên đất nông nghiệp, bao gồm cả nhà lưới, nhà màng, nhà kính, hệ thống tưới tiêu… để doanh nghiệp có cơ sở vay vốn, mở rộng và nới các tiêu chuẩn để cơ sở sản xuất nông nghiệp tiếp cận được nguồn vốn.

Đáp ứng yêu cầu sản xuất quy mô lớn, trong đó chính sách về tích tụ ruộng đất là một trong những vướng mắc lớn nhất, mặc dù Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với hộ nông dân để hình thành những cánh đồng lớn trên cơ sở tích tụ và tập trung ruộng đất.

Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản dưới luật đã bước đầu tạo điều kiện thuận lợi hơn, ưu tiên và ưu đãi hơn cho doanh nghiệp khi liên kết với người nông dân xây dựng cánh đồng lớn, thúc đẩy nhanh hơn quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất trong nông nghiệp.

Nhưng quá trình này vẫn chậm chạp, không đạt mục tiêu kỳ vọng và cần những giải pháp thỏa đáng để phát triển hiệu quả thị trường quyền sử dụng đất thứ cấp và tài sản trên đất, đồng thời với việc thực hiện chính sách hạn điền linh hoạt trong nông nghiệp và nông thôn.

Ông từng nói, nông nghiệp là ngành tinh vi nhất trong tất cả các ngành? Ông có thể cắt nghĩa rõ hơn về vấn đề này?

Bởi giá trị của nông nghiệp là tạo ra thực phẩm, những chất liệu chạm đến những giá trị tinh túy nhất của con người, sự tinh vi nằm trong chất lượng, nó gắn với kỹ năng hưởng thụ của con người, không có bất cứ ngành nào có thể so sánh với nông nghiệp bởi giá trị mang tính độc nhất. Nhìn từ góc độ công nghệ, sự tinh vi trong nông nghiệp là làm sao tạo ra những ứng dụng tối ưu hóa, làm sao để tạo ra chất lượng tốt nhất chứ số lượng hiện nay không còn là mục tiêu tối thượng.

Tâm nguyện của ông là làm nông nghiệp theo cách riêng của mình. Có thể hình dung, đó là nền nông nghiệp như thế nào?

Đó là đưa nông nghiệp về đúng vị trí của nó, bản thể của nó, ứng dụng công nghệ để đơn giản hóa mọi quy trình, giải phóng sự phức tạp và lệ thuộc của ngành nông nghiệp với con người, môi trường… quay về với thiên nhiên và đảm bảo tính tự nhiên của nông nghiệp.

Trong buổi ra mắt Hiệp hội Nông nghiệp số (VIDA), ông khẳng định: Chúng ta sẽ làm nông nghiệp theo những cách chưa từng có, là quốc gia hiện đại nhất về ngành nông nghiệp, chứ không phải quốc gia chấp nhận đi sau. Ông là người có nhiều ý tưởng táo bạo, đôi khi ngoài sự tưởng tượng của nhiều người vào thời điểm ông nói. Chúng tôi tin tưởng và kỳ vọng rất nhiều vào điều đó, tuy nhiên vẫn muốn hỏi thêm, ý tưởng “làm nông nghiệp theo cách chưa từng có” là như thế nào? Và “hiện đại nhất về ngành nông nghiệp” có phải là điều xa vời khi chúng ta còn nhiều rào cản như đất đai sản xuất manh mún, trình độ đại đa số người làm nông nghiệp còn thấp… như hiện nay?

Nói như Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tại Đại hội thành lập thì “Các doanh nghiệp đã rất thông minh khi chọn nông nghiệp để thực hiện mục tiêu số hóa, bởi bản thân nông nghiệp chính là một nền kinh tế thu nhỏ, nó liên quan đến rất nhiều các lĩnh vực khác như logistics, thương mại, sản xuất, khoa học công nghệ, chế tạo, chế biến…” và mục tiêu của VIDA ra đời nhằm hưởng ứng thiết thực Nghị Quyết số 50/NQ-BCT về cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, và mục tiêu của Hiệp hội cũng chính là slogan của mình là “Giàu từ Nông nghiệp”.

Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hanam Hitech – đơn vị thành viên tập đoàn VinaSeed.
“Nông nghiệp số Việt Nam quyết tâm! Nông dân sung túc! Doanh nghiệp trường tồn! Đất nước phồn vinh”.

Phát biểu khai mạc của ông Trương Gia Bình tại Đại hội thành lập Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam nhiệm kỳ I (2019 – 2024)
VIDA ra đời không phải để tạo ra một sân chơi, mà là cùng nhau tạo ra những giá trị mới đóng góp cho nền nông nghiệp và kinh tế đất nước. Mục tiêu của VIDA hướng tới không phải là tập hợp sức lao động mà là tập hợp trí tuệ, nguồn lực, sáng tạo và đột phá, chúng tôi đang có những mô hình và sẽ hướng tới sự phát triển trên nền tảng liên minh, liên kết lấy tiêu chuẩn và điều kiện thị trường là mục tiêu để cùng nhau sản xuất tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, số lượng lớn, chỉ có như vậy mới đưa vị thế nông nghiệp của Việt Nam vươn cao.

Ngoài ra, chúng tôi nghĩ rằng những việc cần làm để hiện thực hóa những mục tiêu phải xuất phát từ cơ chế Công – Tư một cách hiệu quả để cùng giải quyết các rào cản như:

(1) Tính minh bạch và cập nhật của hệ thống pháp luật về đầu tư nước ngoài khi đầu tư công nghệ vào nông nghiệp Việt Nam.

(2) Vấn đề tích tụ đất đai để có thể triển khai công nghệ cao cho các khu vực sản xuất nông nghiệp thông minh, đặc biệt là yêu sản sản xuất quy mô lớn đáp ứng theo yêu cầu về số lượng và chất lượng của thị trường.

(3) Các chính sách ưu đãi, cơ chế hỗ trợ đủ hấp dẫn về miễn giảm thuế, miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi ứng dụng công nghệ cao cho đầu tư xây dựng các cánh đồng lớn, khu nguyên liệu tập trung, khu sản xuất nông nghiệp thông minh…

(4) Hoàn thiện về hạ tầng số cho nông nghiệp, đặc biệt là nguồn nhân lực số để các nhà đầu tư tin tưởng và đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

TTNSV: Nguồn Nông Nghiệp Việt Nam

 

“Chúng ta phải nghiên cứu khoa học công nghệ, để có thể thả một máy bay không người lái bay trên những thửa ruộng. Các thiết bị chuyên dụng sẽ tự chụp ảnh cánh đồng và trí tuệ nhân tạo tự đọc bức ảnh đó, phát hiện những vị trí có sâu.

Loại sâu đó trị bằng thuốc gì, liều lượng bao nhiêu, thì máy tính sẽ báo cho người nông dân biết, nên lượng thuốc bảo vệ thực vật có thể giảm đi hàng trăm lần”.

Ông Trương Gia Bình

You might also like

Chào mừng anh chị đến với TTNSV - GAP.Org.Vn

X