Nông nghiệp – “Bệ đỡ” của nền kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19

VTV.vn – Trong 6 tháng đầu năm, nông nghiệp tiếp tục làm tốt vai trò trụ đỡ của nền kinh tế khi vừa đảm bảo lương thực, thực phẩm trong nước, vừa hướng ra xuất khẩu.

Dịch bệnh khiến mọi lĩnh vực đều bị ảnh hưởng, thậm chí ảnh hưởng nặng chưa từng có, nhưng có 3 yếu tố để ngành nông nghiệp ghi dấu: Thứ nhất là sự thay đổi tích cực từ bà con nông dân; Thứ hai là điều kiện thời tiết thuận lợi; Thứ 3 là sự chủ động của ngành nông nghiệp.

Để có thể trở thành bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế, nông nghiệp Việt Nam được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự ủng hộ của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, cùng sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân.

Nông nghiệp 6 tháng đầu năm tăng trưởng toàn diện

Sản lượng của vụ lúa Đông Xuân năm nay đã tăng hơn 670.000 tấn so với vụ Đông Xuân năm 2020. Đàn lợn, gia cầm phục hồi mạnh.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), giá trị sản xuất nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm tăng 3,82%, trong đó thủy sản, chăn nuôi tăng cao nhất. Tốc độ tăng GDP ngành nông nghiệp đạt trên 3,6%.

Mặc dù chịu tác động từ đại dịch COVID-19, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản nửa đầu năm nay vẫn đạt hơn 24 tỷ USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2020. Xây dựng nông thôn mới đã tăng thêm 109 xã đạt chuẩn so với cuối năm 2020, đạt tỷ lệ hơn 64% số xã, dù các địa phương chưa được phân bổ vốn.

Nông nghiệp - “Bệ đỡ” của nền kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Gạo, cao su, hồ tiêu, rau quả, thủy sản, đồ gỗ… là những nông sản có đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Giá trị của xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng tới gần 30% so với cùng kỳ đã cho thấy nỗ lực của ngành nông nghiệp trong 6 tháng qua. Trong số đó, nông sản được coi là điểm điểm nhấn mạnh mẽ với gạo, hồ tiêu, rau quả.

Xuất khẩu nông sản tăng trong bối cảnh dịch COVID-19

Tại một hội nghị gần đây, người đứng đầu ngành Nông nghiệp khẳng định cần nhìn thẳng vào thách thức để tiếp tục thay đổi, chuyển mạnh sang tư duy kinh tế nông nghiệp, trước mắt hoàn thành mục tiêu kép của năm nay.

Gạo, cao su, hồ tiêu, rau quả, thủy sản, đồ gỗ… là những nông sản có đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu khi giá bán tăng cao. Gạo xuất khẩu của Việt Nam có thời điểm đã vượt gạo của Thái Lan. Có mặt tại thị trường Mỹ vào tháng 5 vừa qua, gạo ST25 đã mở ra một triển vọng mới cho thương hiệu gạo Việt.

Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản cả năm là 45 tỷ USD, tức cao hơn Chính phủ giao 3 tỷ USD. Lâm nghiệp, thủy sản sẽ là những lĩnh vực phải tăng giá trị cao để bù vào những sản phẩm dự kiến không đạt chỉ tiêu. Trong bối cảnh COVID-19 còn tiếp tục tác động, việc nhận diện những thách thức để có giải pháp từ sớm là hết sức cần thiết.

“Công nghiệp phụ trợ hiện đang rất khó khăn trong việc nhập khẩu. Nguyên liệu gỗ, gỗ tròn, gỗ xẻ nhập khẩu cũng khó khăn, đặc biệt một số thị trường có nền quản trị lâm nghiệp phát triển, hầu như hiện nay số lượng đều giảm”, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết.

Để tiếp tục duy trì 2 thị trường lớn của nông sản Việt Nam là Mỹ và Trung Quốc, Bộ NN&PTNT tiếp tục đàm phán trên cơ sở tăng cường sản xuất theo tiêu chuẩn, có mã số và phát huy vai trò tư vấn của các Tham tán nông nghiệp.

Khoai lang, sầu riêng tiếp tục là những nông sản được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc trong thời gian tới khi hai bên đang hoàn thiện thủ tục đánh giá. Còn lúc này, ngành thủy sản cần phải nỗ lực hơn nữa trong gỡ thẻ vàng khi tháng 8 tới phía Ủy ban châu Âu sẽ có những đánh giá lại.

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng thích ứng và bền vững

Những khó khăn như vừa qua và những kết quả đạt được 6 tháng đầu năm đã chứng minh nếu chủ động sớm các giải pháp hợp lý thì vẫn tìm ra mô hình tăng trưởng hiệu quả. Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đặt ra không ít khó khăn, nhưng cũng là cơ hội để sản xuất nông nghiệp phải thay đổi để thích ứng lâu dài. Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với tư duy biết thị trường từ khi gieo hạt… là đòi hỏi đặt ra cho người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp.

Vụ vải năm nay đã là bài học cho các địa phương trọng điểm về sản xuất nông nghiệp. Được mùa chưa từng có nhưng ngay cả khi là điểm nóng dịch bệnh, quả vải Bắc Giang vẫn được tổ chức tiêu thụ tốt. Lần đầu tiên triển khai bài bản thương mại điện tử đã góp phần tăng tỷ lệ tiêu thụ trong nước lên gần 65% sản lượng và xuất khẩu thuận lợi.

Nông nghiệp - “Bệ đỡ” của nền kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Vải thiều tại huyện Lục Nam, Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) năm nay đạt sản lượng cao do thời tiết thuận lợi. (Ảnh: NLĐ)

Thị trường cho xuất khẩu nông sản quý III được dự báo là khả quan khi nhiều thị trường quan trọng như Mỹ đã khởi sắc trở lại. Hiện tôm xuất khẩu sang Mỹ đã tăng 15% so với cùng kỳ. Đây cũng là lúc cần tiếp tục có những hoàn thiện mô hình tăng trưởng.

“Trong mô hình tăng trưởng tới cần đầu tư mạnh về con người, đào tạo liên quan đến ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chế biến, sản phẩm OCOP của các địa phương. Mô hình này chứng minh chúng ta hoàn toàn có thể vào thị trường thế giới bởi những nông hộ nhỏ, nhưng phải minh bạch, phải chất lượng cao. Minh bạch, chất lượng cộng với công nghệ sẽ giúp nâng cao thu nhập, đó là cái quan trọng nhất”, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ NN&PTNT) Lê Đức Thịnh nhận định.

Bộ NN&PTNT cũng đã thành lập các tổ nhóm cung cấp dữ liệu, thống kê, dự báo thị trường, có kịch bản thường trực ứng phó đồng thời có tư duy mới trong chuyển đổi số, kết nối thông tin giữa cung và cầu, làm tiền đề cho sự tăng trường bền vững.

https://vtv.vn/kinh-te/nong-nghiep-be-do-cua-nen-kinh-te-trong-boi-canh-dich-covid-19-20210702192203761.htm

You might also like

Chào mừng anh chị đến với TTNSV - GAP.Org.Vn

X